MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mất vệ sinh an toàn thực phẩm trong khâu giết mổ làm cho chất lượng thực phẩm mất an toàn (ảnh minh họa)

Cần có các sản phẩm “Thương hiệu An toàn thực phẩm”

ĐÀO NGỌC ĐỆ LDO | 03/05/2016 18:20
Ai cũng phải ăn để mà sống. Câu nói của người xưa: “Dĩ thực vi tiên” rất có cơ sở khoa học và mang đậm tinh thần nhân văn. Ẩm thực là nhu cầu trước tiên và rất lớn của con người để tồn tại và phát triển. Chất lượng tốt của các loại thực phẩm tạo nên sức khoẻ, niềm vui và tuổi thọ của con người. Trước những hiện tượng mất an toàn vệ sinh thực phẩm(ATVSTP) thời gian qua, vấn đề phải tạo ra các “Thương hiệu An toàn thực phẩm” (ATTP) là một vấn đề bức thiết của văn hoá ẩm thực ở nước ta. 

 

Nhiều năm nay, tình trạng mất ATVSTP ở nước ta diễn ra trầm trọng. Từ sữa, nước chấm, nước giải khát, rượu, thịt, tôm. cá, bánh kẹo, bột ngọt, rau quả, v. v… đều có những thứ hàng xấu, hàng giả lẫn lộn với hàng thật, hàng có nguồn gốc xuất xứ trên thị trường. 

Những người sản xuất và kinh doanh thực phẩm (kể từ các hộ nông dân trồng trọt chăn nuôi gia súc, ngư dân, các doanh nghiệp đến những người buôn bán nhỏ lẻ) chỉ lao theo lợi nhuận, bất chấp pháp luật và sức khoẻ của người tiêu dùng mà sử dụng những mánh khoé xấu để sản xuất và buôn bán các loại thực phẩm mất ATVSTP. 

Có thể kể ra vô số sản phẩm mất ATVSTP như: sữa nhiễm melamine, dùng sữa bột để pha chế thành “sữa tươi nguyên chất (?!), các loại thực phẩm ươn thối được tẩy rửa, tẩm ướp, nhuộm màu bằng hóa chất, v. v… ghê sợ đến mức những súc vật mà cơ quan chức năng đã đem chôn, vẫn được người ta moi lên chế biến thành thực phẩm. Còn bún, nem chua, giò, chả có nhiều hàn the, chất độn độc hại vẫn không hề hiếm,  cơ quan chức năng cứ kiểm tra là phát hiện có vi phạm  

Đã không ít vụ báo chí phanh phui thông tin mất ATVSTP trong việc trồng rau quả tưới bón phân sống, dùng thuốc tăng trưởng và phun thuốc trừ sâu liên tục; Rồi việc những nhà hàng, quán ăn bình dân mất ATVSTP bởi các món ăn được chế biến từ các thực phẩm không rõ nguồn gốc, được tẩy rửa bằng hóa chất chế biến thành thứ “khoái khẩu” (?!); chậu rửa bát đũa nhầy nhụa; những bàn tay để trần thản nhiên bốc thức ăn cho khách. 

Ngay cả đến các siêu thị nhiều nơi cũng trở thành những ổ lừa dối khách hàng bằng việc trà trộn rau sạch với rau không nguồn gốc để thu lợi nhuận cao. Tình trạng mất ATVSTP hàng ngày gây lo sợ, thậm chí gây kinh hoàng cho người tiêu dùng. Đã có hàng trăm vụ ngộ độc thực phẩm với biết bao nạn nhân các lứa tuổi phải đưa đi cấp cứu. 

Mất VSATTP ảnh hưởng rất xấu đến an sinh xã hội, sức khoẻ, tuổi thọ và làm suy thoái giống nòi, ảnh hưởng rất xấu đến sự phát triển kinh tế- xã hội, đến danh dự quốc gia và tính cách, phẩm hạnh của người xứ ta. 

Lại nhớ sách “Thương học phương châm” của Cụ cử Lương Văn Can (một yếu nhân của Phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, đầu thế kỷ 20) viết về giới doanh nghiệp và thương nhân Việt Nam: “...Người mình không có thương phẩm (ngày nay gọi là “thương hiệu”- tức hàng hoá nổi tiếng, có chất lượng tốt- ĐNĐ ghi chú)… Không có tín thực: cái ám muội của nhà buôn ta không thể nào tả hết được, chỉ xem ngạn ngữ ta rằng: “Thực thà cũng thể lái buôn” thời đủ biết đức tính của nhà buôn vậy. Chính bởi cái lòng không tín thực ấy mà làm trở lực cho hàng hoá ta không thể nào bán mạnh bằng hàng các nước được…”. Thật kính nể tài bình luận và tiên tri  của Cụ Cử Lương Văn Can cách nay một trăm năm! 

Nhu cầu tiêu dùng của người dân và xã hội đang cần những nguồn thực phẩm sạch để bảo đảm sức khỏe. Đây là yêu cầu để góp phần quan trọng tạo nên “Văn hoá ẩm thực Việt Nam”. 

Nhưng để có được điều đó, hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức và lương tâm của những người sản xuất và kinh doanh thực phẩm. 

Người tiêu dùng đang rất cần có các loại rau quả thực phẩm đảm bảo ATVSTP. Để làm được điều này, bên cạnh việc tuyên truyền vận động và xây dựng các mô hình sản xuất những sản phẩm cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng của người dân và xã hội mang “thương hiệu an toàn thực phẩm”, các phương tiện truyền thông cần phải phê phán nghiêm khắc tính cách gian dối của một bộ phận lớn (Tôi nhấn mạnh- ĐNĐ) trong giới doanh nghiệp và thương nhân đối với việc sản xuất kinh doanh mất ATVSTP. 

Mặt khác, pháp luật về ATVSTP phải tăng thật nặng chế tài xử phạt, cụ thể là việc những đối tượng dùng thuốc trừ sâu, chất độc hóa học để sản xuất và chế biến thực phẩm gây hậu quả nghiêm trọng thì phải chịu những hình thức xử phát nghiêm khắc, bởi đấy là hành vi “giết người hàng loạt”.                                        ĐÀO NGỌC ĐỆ Giảng viên Đại học Hải Phòng


 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn