MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mảnh kim loại bắn vào mắt, mặt của nạn nhân sống sót trong vụ nổ đầu đạn ở Khánh Hòa - Ảnh: Thanh Thúy

Chấp nhận cưa bom, không có nghĩa người ta xem nhẹ mạng sống của mình!

KHÁNH NINH LDO | 20/08/2017 10:41

Vụ nổ đầu đạn khiến 6 người chết ở Khánh Hòa: Những đứa trẻ vô tội và nỗi đau người ở lại” - một tít báo trên Lao Động điện tử khiến cho bất cứ ai cũng phải buốt lòng.

Tôi không dám đọc hết những dòng còn lại, tôi gọi cho một vài người, hỏi xem: “Nếu người dân phát hiện bom, mìn, đầu đạn, họ báo cho cơ quan chức năng, họ có được hỗ trợ gì không?”. Tất cả những câu trả lời tôi nhận được là: “Hình như không”.

Tôi lên Google gõ “Hỗ trợ người dân tìm được bom, mìn” hoặc “Người dân báo bom, mìn được hỗ trợ gì”, “Hỗ trợ tiền cho người dân tìm thấy bom, mìn chiến tranh”… Không đưa đến một kết quả tìm kiếm nào khả quan. Lật qua nhiều trang, tôi đọc được một ít thông tin về Dự án RENEW, chuyên tổ chức rà phá bom mìn ở Quảng Trị, có hỗ trợ tiền cho người dân, dự án được sự tài trợ của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thông qua đối tác Quỹ Viện trợ Nhân dân Na UY (NPA).

Khi tìm kiếm sự “hỗ trợ cho người dân khi tìm thấy bom, mìn”, tôi đọc được những bài báo với nội dung “Quả bom nặng 300 kí, nằm cả tuần khiến cả xóm hoang mang”… Và tiếp đó là hàng loạt những tin người dân chết đau đớn vì cưa bom!

Tôi có biết một người từng làm nghề… cưa bom. Cưa bom theo nghĩa đen, trần trụi của nó chứ không phải từ mà chúng ta vẫn dùng khi “chém gió”. Tôi hỏi: “Chú không sợ chết sao?”. Chú nhìn tôi trân trân, làm cái nghề này, người ta kiêng kị nhắc đến từ “chết”, đến nỗi ai nhắc đến lập tức bị “đốt phong long”, bị liếc, trừng mắt… Họ có thái độ như thế là bởi họ quá sợ. Sợ đến nỗi không dám nhắc đến, không dám nghĩ đến nhưng vẫn làm, đôi khi nghĩ liều: “Trời kêu ai nấy dạ”.

Những người cưa đầu đạn, bom, mìn… để lấy thuốc, lấy sắt bán mua gạo thường là những người có hiểu biết hạn chế và nghèo. Nghèo nên mới bất chấp, tranh chén cơm với tử thần.

Một người tôi gọi điện hỏi về vụ hỗ trợ cho người dân phát hiện bom, mìn nêu ý kiến: “Bom, mìn là hậu quả của chiến tranh để lại mà bây giờ người dân phải gánh lấy. Và những người dân nghèo là người lãnh hậu quả nặng nề nhất. Chấp nhận cưa bom, không có nghĩa là họ xem nhẹ mạng sống của mình. Thế nhưng sợ mà vẫn làm bởi không làm, chả biết lấy cái gì mà sống, mà cho vào mồm khi đói. Người sống sót trong vụ cưa đầu đạn ở Khánh Hòa nói: “Chúng tôi cưa đạn lấy sắt bán để mua gạo”. Nghe mà buốt lòng!”

Nếu người dân phát hiện bom, mìn và đem giao nộp, cơ quan Nhà nước, đơn vị chức năng có trách nhiệm xử lý bom, mìn trả cho họ một số tiền tương đương hoặc gần bằng với giá trị của sắt, thuốc nổ mà đáng lý họ cưa ra bán được thì không có người dân nào còn liều mình đi cưa bom. Vì nếu người dân không phát hiện thì các đơn vị cũng phải bỏ ra kinh phí để đi tìm kiếm, rà phá. Cho nên hỗ trợ tiền cho người dân khi họ tìm được bom, mìn là cần thiết để tránh những bi kịch như ở Khánh Hòa, bởi trên tất cả, mạng sống con người là điều cần được quan tâm hết thảy.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn