MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đề thi Ngữ văn liên quan đến Chi Pu xôn xao cộng đồng mạng. Ảnh: LDO

Chi Pu “lạc trôi” vào đề thi Ngữ văn: Bi hài học sinh lớp 10 bước vào showbiz

QUANG ĐẠI LDO | 11/12/2017 10:42
Mới đây, mạng xã hội xôn xao khi xuất hiện bức ảnh chụp đề thi học kỳ môn Ngữ văn lớp 10 của một trường cấp 3 ở Phú Thọ với nhân vật Chi Pu cùng MV “Từ hôm nay” của cô này được nhắc đến trong câu hỏi nghị luận.

Đề yêu cầu: “Hãy hóa thân vào Chi Pu, viết một bài văn tự sự có sử dụng yếu tố biểu cảm kể về một ngày của mình sau khi ra mắt MV “Từ hôm nay”, sau khi tóm lược về nhân vật Chi Pu và những lùm xùm trong giới showbiz liên quan đến nhân vật này.

Có nhiều luồng ý kiến khác nhau tranh luận về đề thi “độc” nói trên. Một số người cho rằng nhà trường đã sáng tạo, đổi mới cách ra đề, đề thi mang hơi thở cuộc sống hiện đại, phù hợp với tâm lý giới trẻ, kích thích sự sáng tạo của học sinh...

Tuy nhiên, một luồng ý kiến khác phản đối, chỉ trích đề thi nói trên. Thầy Ngọc Hà, dạy văn ở Hà Tĩnh, nhận xét: “Đề thi nói trên không thực sự phù hợp với mục tiêu giáo dục trong nhà trường, và không nghiêm túc, mang tính chất đánh đố. Đề tài những lùm xùm trong giới nghệ sỹ không phù hợp với đa số học sinh lớp 10”.

Theo thầy Ngọc Hà, chỉ một số ít học sinh lớp 10 quan tâm đến những chuyện thị phi trong giới showbiz, những cái tên như Tóc Tiên, Thanh Lam, Thu Minh, Quốc Thiên, Văn Mai Hương... xa lạ với không ít học sinh. Nay buộc các em làm văn về vấn đề này, chẳng khác gì đánh đố. Nếu dạng đề này được phổ biến, sẽ hướng học sinh quan tâm đến những chuyện hậu trường, thị phi trong giới nghệ sĩ, làm các em mất thì giờ vô bổ.

Nhân vật Chi Pu không phải là ca sĩ chuyên nghiệp, giọng ca của cô này bị coi là “thảm họa”, bị phê phán nặng nề. Việc yêu cầu học sinh hóa thân, nhập vai nhân vật này là phản cảm, không có tính giáo dục, tính sư phạm.

Cô Thanh Hiền, dạy Ngữ văn tại Nghệ An cũng cho rằng, đề thi nói trên thiếu tính nghiêm túc, tính giáo dục, vốn là những yêu cầu có tính nguyên tắc đối với một đề thi môn Ngữ văn. Ngoài ra, cách diễn đạt cũng thiếu trong sáng, sử dụng từ tiếng Anh, viết tắt tùy tiện: hotgirl, MV, clip.

Theo cô Hiền, dù có “đổi mới, sáng tạo” hay “hiện đại” gì đi nữa thì một đề thi bao giờ cũng phải hướng học sinh đến những điều nghiêm túc, cái đẹp.

“Tôi cũng không đồng tình với một vị giảng viên Đại học tại Nghệ An vừa qua đã bông đùa không đúng chỗ khi nhận xét bài thi của sinh viên ("Em định sống như thế này cho đến bao giờ", "Em sợ bạn khác nhìn bài hay sao mà viết chữ nhỏ dzạ?", "Có cái kính nào đeo vào học giỏi hơn không?", "Nhan sắc tỉ lệ nghịch với chữ viết?"...).

Không thể nhân danh “sáng tạo” để đưa những ý tưởng thiếu nghiêm túc, thiếu tính giáo dục vào giáo dục, đưa học sinh ra làm thí nghiệm cho những ý tưởng mang tính ngẫu hứng của giáo viên”, cô Thanh Hiền trao đổi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn