MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chương trình Ngữ văn mới sẽ chỉ còn 6 tác phẩm bắt buộc. Ảnh minh họa: Như Sương

Chương trình Ngữ văn mới: Nghe qua đã thấy “rối bời”

QUANG ĐẠI LDO | 17/01/2018 08:58
Theo Bộ GD-ĐT, môn Ngữ văn chương trình phổ thông mới chỉ còn 6 tác phẩm bắt buộc, gồm: Nam quốc sơn hà, Hịch tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo, Truyện Kiều, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc Tuyên ngôn độc lập.

Trước lo ngại của nhiều người về việc thiếu vắng những tác phẩm mang hơi thở cuộc sống bình dị, mang tính nhân văn, PGS Đỗ Ngọc Thống (Bộ GD-ĐT) giải thích:

“Tất cả các văn bản còn lại, trong đó có nhiều tác phẩm trước đây từng có trong chương trình-SGK sẽ được đưa vào phụ lục để các tác giả SGK và giáo viên tham khảo hình dung ra về thể loại, đề tài, độ khó, sự phù hợp về tâm lý lứa tuổi…

Từ đó chủ động lựa chọn văn bản cho SGK và việc dạy học để hình thành và phát triển cho học sinh năng lực đọc với nhiều ngữ liệu đa dạng khác nhau; từ đọc có hướng dẫn trên lớp đến đọc mở rộng và tự đọc, tự học suốt đời”.

Về mặt lý thuyết, nghe rất hấp dẫn. Tuy nhiên, khi đi vào thực tiễn, GV (giáo viên) dễ bị rối bời trong mớ bòng bong của danh mục các tác phẩm “tự chọn”.

Các GV, không phải là các chuyên gia về tâm lý, giáo dục học, ngay cả chuyên môn Ngữ văn cũng không được đào tạo một cách chuyên sâu (như các GS.TS), nên việc giao phó cho đội ngũ này nhiệm vụ lựa chọn tác phẩm để dạy cho HS (học sinh) sao cho phù hợp, là điều không hề đơn giản.

Trong thực tế, mỗi GV sẽ có những quan niệm, nhận thức khác nhau, dẫn đến sự lựa chọn khác nhau. HS sẽ rơi vào thế “may nhờ, rủi chịu”.

Cho dù Bộ GD-ĐT khẳng định, quy định học bắt buộc 6 tác phẩm không có nghĩa các tác phẩm khác chỉ đọc thêm, tuy nhiên, sự phân biệt giữa “bắt buộc” và “không bắt buộc” cũng đã hình thành. Sự “đầu tư” của GV và HS vào hai loại tác phẩm kia, đương nhiên sẽ khác nhau.

Đến phần thi cử, rắc rối bắt đầu phát sinh. Trong phạm vi lớp, GV sẽ ra đề vào những tác phẩm đã dạy cho HS. Nhưng đến khi thi khảo sát, thi tốt nghiệp, tuyển sinh… đề thi sẽ rất rắc rối.

Nếu chỉ thi vào 6 tác phẩm bắt buộc, thì đề sẽ quá nghèo nàn, và nảy sinh vấn nạn học tủ. Còn ra đề vào những tác phẩm khác, sẽ dẫn đến tình trạng nhiều HS phải làm bài tập đối với những tác phẩm các em không được học.

Để “chắc ăn”, HS có thể phải học tất cả các tác phẩm có trong chương trình (bao gồm cả bắt buộc và tự chọn), thì tình trạng quá tải sẽ hết sức nặng nề.

Một điều nữa, chương trình, lý thuyết có thể rất mới, rất hiện đại, và thay đổi xoành xạch, nhưng đội ngũ GV vẫn là những người cũ, thậm chí rất cũ, trong khi GV đóng vai trò quyết định chất lượng giáo dục. Không hiểu các nhà làm chương trình sẽ giải bài toán này như thế nào?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn