MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trẻ chưa đầy 2 tuổi đã có thể sử dụng smartphone (ảnh:PK).

Có nên hạn chế trẻ em sử dụng smartphone, iPad?

Diệu Tiên LDO | 28/06/2017 18:45
Đây là câu hỏi mà thiết nghĩ, các bậc phụ huynh, những bà mẹ cần dành thời gian nghiêm túc để suy nghĩ và tìm kiếm một phương án dạy dỗ con cái cũng như cho con em mình sử dụng các thiết bị như smartphone, iPad một cách hợp lí nhất.

Ngày 28.6, đúng vào Ngày Gia đình Việt Nam, báo Lao Động đã đăng tải bài viết “YouTube độc, YouTube sex… đang “bủa lưới” trẻ em”. Theo đó, nghiên cứu của một Cty Anh quốc là SuperAwesome cho thấy, qua khảo sát 1.800 trẻ thuộc 5 quốc gia (Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore), thì có đến 87% trẻ từ 6-14 tuổi sử dụng smartphone, máy tính bảng chủ yếu để chơi game và xem YouTube.

Khách quan mà nói, chơi game và xem YouTube không hẳn là xấu, bằng chứng là nhiều người vẫn thường chơi game giải trí và vào YouTube để học tập. Tuy nhiên, đối với trẻ em, cái tuổi mà sự “gạn đục khơi trong” chưa đủ chín, còn thiếu bản lĩnh, nhân cách đang hình thành, cũng chưa thể làm chủ được cách sử dụng công nghệ trong bối cảnh nhiều người chơi game dễ sa đà, còn YouTube thì ngày càng tràn lan nội dung xấu độc, thì câu hỏi “có nên hạn chế trẻ em sử dụng smartphone, iPad hay không?” là rất đáng quan tâm và suy ngẫm.

Những năm qua, ở phố thị có một mô hình dần hình thành và phổ biến là ở phòng ăn hay bữa cơm gia đình, mỗi người cứ cắm cúi ăn và xem tivi mà ít có trao đổi, trò chuyện, tâm sự với nhau. Sau bữa, ai về phòng nấy, lại ôm tivi riêng hoặc đọc sách. Ngày nay, theo nghiên cứu của SuperAwesome, trẻ em đã rời xa dần tivi và thay vào đó là smartphone, máy tính bảng. Và ngay trong phòng ăn, bàn ăn, bữa ăn hay nơi sinh hoạt gia đình, một hình ảnh khác dần hình thành và thay thế hình ảnh cũ: Mỗi người cắm cúi ăn và dán mắt vào màn hình điện thoại mà ít có trao đổi, trò chuyện với nhau.

SuperAwesome còn cho biết, qua khảo sát, có đến hơn một nửa trong số 87% kia là được sở hữu smartphone như một thiết bị riêng. Đã là thiết bị sở hữu riêng thì người khác không được can thiệp vào hoặc người dùng ít bị giám sát, từ quyền truy cập máy hay nội dung xem, đọc ở trên đó. Nếu các em xem, chơi những nội dung tốt, lành mạnh thì không nói; nhưng nếu ngược lại, như trường hợp đã bị “bủa lưới” bởi các nội dung sex, bạo lực, tin bịa, đặt, xuyên tạc… trên YouTube, thì chúng ta làm sao không khỏi lo lắng?

Tôi nhớ ông Trương Gia Bình – Chủ tịch Cty FPT – trong một hội nghị đã phát biểu đại ý rằng: Hãy để trẻ em chơi game và đừng nghiêm cấm, để các em có cơ hội tiếp cận với công nghệ nội dung số và có sáng tạo khi lớn lên. Và tôi cũng nhớ cựu CEO FPT là Trương Đình Anh đã quản 4 đứa con bằng cách cài đặt máy tính mỗi đứa chỉ được chơi game một khoảng thời gian bao lâu, đứa nào hôm đó học tốt, có thành tích… thì được thưởng thêm, qui ước rõ ràng, sòng phẳng, không quá bảo thủ cấm đoán nhưng cũng không để sa đà suốt ngày chúi mũi vào máy tính, điện thoại.

Tuy nhiên, tôi cũng đã từng thấy nhiều cảnh bố mẹ dẫn con cái vào quán ăn, quán càfé gặp bạn bè, lo buôn chuyện và giải pháp tốt nhất là quăng cho đứa con chiếc smartphone hoặc iPad mặc sức chơi, nghịch; đứa trẻ cũng chẳng quan tâm bố mẹ gặp ai, cần chào hỏi hay không, và cũng chẳng thiết ăn uống gì nữa…

Không phải ai cũng có thể hư hỏng vì smartphone và những nội dung trên đó. Nhưng đối với trẻ em thì khác, chưa cần nói đến trường hợp tiếp cận nội dung xấu độc, mà chỉ cần quá sa đà sử dụng thiết bị sẽ dễ bỏ bê ăn uống, học tập, bài vở…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn