MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hội thảo do Ban Nội chính Trung ương tổ chức sáng 24.3.

Có phải chỉ thẩm phán mới “thèm” nhẫn kim cương?

Thủy Lâm LDO | 30/03/2017 15:07
“Lương thẩm phán 4-5 triệu đồng/tháng, nộp tiền học cho con đã hết. Gặp đương sự vân vê nhẫn kim cương thì sao kìm lòng nổi”. Đây là phát ngôn của nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao Trần Văn Độ khi trao đổi về những “vấn đề” của tư pháp trong một hội thảo chính thống do Ban Nội chính Trung ương tổ chức. Giữa mức lương 4-5 triệu đồng và chiếc nhẫn kim cương là một khoảng cách, một sự tương phản, là sự hấp dẫn rất lớn, rất khó cưỡng, nhấn mạnh trong trường hợp nếu người ta dám, và có thể biến lòng tham thành những bản án lệch lạc. 
Vậy, với những người có mức lương thấp hơn nữa, thu nhập thấp hơn nữa trong xã hội, liệu họ có kìm lòng nổi trước “nhẫn kim cương”? Nếu theo suy luận như trên với những người lao động thuộc các tầng lớp khác nhau trong xã hội, những người thu nhập thấp hơn, nghèo hơn, đói hơn thì sẽ không phải là nhẫn kim cương mà nhẫn vàng, nhẫn bạc, nhẫn trang sức bình thường cũng có sức hấp dẫn rất đặc biệt họ.
Vấn đề là không phải khi không tự dưng ai đó đem nhẫn kim cương đến đặt trước mắt mình để mình “mất kiểm soát” mà phải có giai đoạn “vòi vĩnh”, gây khó khăn, “xui nguyên giục bị” thì mới có người đem nhẫn kim cương đến dâng tặng. Những cán bộ ở những lĩnh vực khác muốn có “nhẫn vàng” hay là “nhẫn bình thường” cũng phải hạch sách, gây khó khăn, cản trở thì mới có người đem phong bì đến để “bôi trơn” bởi nếu đã thông suốt rồi thì ai cần “bôi trơn” nữa.
Bác sĩ muốn có “nhẫn kim cương” cũng phải gây khó khăn để người nhà bệnh nhân đưa thêm cái phong bì cho “yên tâm công tác”, tận tình điều trị. Và lần sau đừng quên đến phòng khám tư nhân ngoài bệnh viện để khám bệnh, ở đó, cho dù không có phong bì vẫn nhận được nhiều nụ cười thân thiện “vui lòng khách đến vừa lòng khách đi”. Giáo viên muốn có “nhẫn” thì phải dọa dẫm những học sinh không chịu đi học thêm để buộc các em phải đi học. Kết quả thực tế là nhiều học sinh phải học thêm hai thầy giáo/một môn học (học thầy này kẻo bị dọa và học thầy kia để có kiến thức).
Vì sức hấp dẫn của “nhẫn” mà những người lao động sẵn sàng bơm độc tố trực tiếp vào thực phẩm, vật nuôi để có siêu lợi nhuận. Sẵn sàng bỏ methanol vào rượu để giết người. Và những người nghèo hơn nữa nếu muốn có “nhẫn” họ sẽ “bần cùng sinh đạo tặc”, sa vào trộm cắp. Để có được những “chiếc nhẫn kim cương” ấy rất nhiều người đã bất chấp luật pháp, bất chấp lương tâm, bất chấp tính mạng của người khác. Thật nguy hiểm thay!
Nếu vì thu nhập thấp, không cưỡng lại được sức cám dỗ của những chiếc nhẫn kim cương mà sai phạm và tham nhũng thì việc giải quyết tiền lương không thể nào bù đắp nổi bởi chênh lệch giữa vài triệu bạc và chiếc nhẫn kim cương là vô cùng. Cũng không thể kêu gọi đạo đức và lòng tự trọng để người ta nhắm mắt làm ngơ vô cảm trước sự quyến rũ của nhẫn kim cương bởi mấy ai trên đời không bị cuốn hút trước vẻ đẹp lấp lánh kì diệu của nó? Nếu hệ thống luật pháp không đủ mạnh và đủ sức răn đe thì không cần phải nhẫn kim cương hay nhẫn vàng, nhẫn bạc mà ngay cả nhẫn cỏ cũng đủ sức cám dỗ khiến nhiều người tham nhũng và phạm tội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn