MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vụ Asama Mining đang "bung bét".

Cơ quan chức năng đang ở đâu trong cuộc chiến chống lại các bẫy lừa tiền ảo?

Thế Lâm LDO | 18/08/2018 17:14
Cao trào các vụ lừa đảo tiền ảo dưới dạng kêu gọi đầu tư hoặc thành lập mạng lưới đa cấp đã bùng phát khá dày từ tháng 4.2018 trở lại đây. Trong vụ nào, các nạn nhân cũng ôm thiệt hại không ít, với số tiền bị đối tượng lừa lên đến hàng chục triệu USD.

Vụ lừa đảo iFan và Pincoin có số tiền thiệt hại lên đến hơn 15.000 tỉ đồng với trên 32 ngàn nạn nhân. Vụ Skymining với số tiền bị Lê Thanh Tâm “ẵm đi” cũng hơn 30 triệu USD của khoảng 6.000 nhà đầu tư. Vụ Asama Mining cũng đã “bung bét” nhưng chưa có con số thống kê ban đầu…

Cần nhớ rằng, trong suốt năm 2017, khi đồng Bitcoin nói riêng và tiền ảo nói chung liên tục lập đỉnh về giá thì hầu như không có những lời cảnh báo về khả năng hay tình trạng lừa đảo tiền ảo đa cấp.

Có chăng, từ phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đưa ra những cảnh báo về góc độ hành lang pháp lí đối với việc giao dịch tiền ảo. Theo đó, việc khai thác, giao dịch, thanh toán bằng tiền ảo tại Việt Nam là không hợp pháp.

Tuy nhiên, hầu như không có những cảnh báo về các doanh nghiệp cùng với những dấu hiệu lừa đảo trong đầu tư, giao dịch tiền ảo đặc biệt là mô hình đầu tư, kinh doanh tiền ảo đa cấp. Và có lẽ, cảnh báo của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) mới đây về việc không nên đầu tư vào đồng tiền ảo có tên FuturoCoin của mạng lưới FutureNet cũng là cảnh báo đầu tiên về vấn đề này, sau khi trên thị trường đã xảy ra hàng chục vụ lừa đảo và đổ bể.

Nhưng đâu chỉ có đồng FuturoCoin, mà thông tin từ các nhà đầu tư lan truyền trong thời gian qua và gần đây còn cho thấy có những đồng tiền ảo khác cũng được mời gọi đầu tư vào như BNC coin, BEC coin hay đồng coin được Cty iLuck Foundation (đóng ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)  kêu gọi góp vốn… Thực chất những đồng tiền ảo trên là như thế nào, bản chất đầu tư góp vốn ra sao… vẫn chưa có cảnh báo chính thức nào từ các cơ quan chức năng, cụ thể là Ngân hàng Nhà nước và Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương).

Những bẫy tiền ảo đang giăng khắp nơi, và những “nạn nhân tiềm năng” cũng đang ở khắp nơi. Không có các thông tin cảnh báo chính thức, những lời truyền miệng kháo nhau về đầu tư tiền ảo lãi suất/lợi nhuận cao và dễ giàu có mặc nhiên trở thành kênh thông tin chiếm lĩnh, khiến nhiều người thiếu kiến thức, thiếu những thông tin… tin theo và đến một lúc nào đó thì sập bẫy.

Những cái bẫy này không dễ sập xuống nếu các cơ quan chức năng có sự tuyên truyền, cảnh báo chính thức thường xuyên hơn để lan tỏa sớm và rộng vào cộng đồng xã hội, từ đó giúp cho người dân hạn chế được các thiệt hại và những kẻ lừa đảo cũng không dễ dàng bẫy được hàng chục ngàn người như thời gian qua.

Các cơ quan chức năng đang ở đâu trong cuộc chiến chống lại các bẫy lừa đảo tiền ảo?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn