MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc về sự phát triển của ngành dầu khí. Ảnh: VGP

“Cởi trói” để doanh nghiệp tư nhân phát triển

QUANG ĐẠI LDO | 13/10/2017 10:20
Tin vui nhất trước ngày Doanh nhân Việt Nam 13.10, là Bộ Công Thương, vừa đưa ra một quyết định đột phá, cắt giảm 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh.

Có thể nói đó là thể hiện quyết tâm “cởi trói”, tạo hành lang thông thoáng cho doanh nghiệp tư nhân phát triển. 

Việc mạnh tay cắt giảm điều kiện đầu tư, kinh doanh nói trên là động thái tích cực hưởng ứng Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW của Hội nghị BCH TW Đảng lần thứ 5 khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XNCN.

Chính phủ xác định nhiệm vụ hoàn thiện cơ chế, chính sách đồng bộ, nhất quán, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh an toàn, ít rủi ro, nhằm thu hút đầu tư tư nhân và bảo đảm hoạt động của kinh tế tư nhân cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng theo cơ chế thị trường. Bãi bỏ các rào cản, quy định điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý, mở rộng khả năng tham gia thị trường.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; thống nhất nhận thức, tư tưởng về phát triển kinh tế tư nhân.

Tuy nhiên, một thực tế là các chủ trương của Trung ương kịp thời, đầy đủ và quyết liệt, nhưng ở một số bộ, ngành, địa phương, việc “cởi trói” cho doanh nghiệp tư nhân vẫn còn dè dặt, chậm chạp. Đơn cử như việc nhiều năm qua, các doanh nghiệp của PVN (Tập đoàn Dầu khí quốc gia), EVN (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) buộc phải mua than của TKV (Tập đoàn Than- Khoáng sản Việt Nam), với giá đắt hơn khoảng 5 USD/tấn so với nguồn than nhập khẩu do các doanh nghiệp tư nhân cung cấp, ngay tại chân nhà máy.

Đây là điều bất hợp lý, đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã có ý kiến chỉ đạo từ đầu năm, cho phép EVN xem xét khả năng các đơn vị có đủ năng lực tham gia cung ứng than cho nhu cầu các nhà máy nhiệt điện than. Các đơn vị cung cấp than (TKV, Tổng Cty Đông Bắc và các đơn vị khác) làm việc với EVN để xây dựng kế hoạch cung cấp than ổn định và lâu dài.

Như vậy, phải sau khi Phó Thủ tướng chỉ đạo, thì “các đơn vị khác” (DN tư nhân), mới được phép cung cấp than cho các đơn vị của EVN, lĩnh vực mà lâu nay TVK và Tổng Cty Đông Bắc độc quyền.

Nếu DN tư nhân được tạo điều kiện về cơ chế để hoạt động, sẽ tạo ra môi trường sản xuất kinh doanh có tính cạnh tranh, thu hút được nguồn lực lớn từ xã hội đầu tư, tạo ra sự phát triển sôi động, hiệu quả của nền kinh tế.

Điều kiện để phát triển kinh tế tư nhân, cần cơ chế phù hợp, linh hoạt, đội ngũ công chức, viên chức thực sự liêm chính, có năng lực và nhiệt tâm, đồng hành với doanh nghiệp, cũng là một chương trình hành động lớn của Chính phủ, thể hiện ở Nghị quyết 35.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn