MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bệnh viện nơi xảy ra cú bổ nhiệm thần tốc (Ảnh VNN)

Cơn “giật kinh phong” ở Đồng Tháp và chứng co giật của chúng ta

Anh Đào LDO | 24/05/2017 14:45
Hãy thử xem lại những dòng tít: Giám đốc bệnh viện bổ nhiệm thần tốc con mắc bệnh động kinh làm phó khoa! Rất hấp dẫn cho sự hiếu kỳ. Nhưng còn những người mắc chứng giật kinh phong, chẳng lẽ họ không là người?!

Thú thực, tôi thấy có gì đó như là bất nhẫn khi báo chí nhấn quá sâu vào chứng động kinh của anh phó khoa ở Bệnh viện Thanh Bình - Đồng Tháp.

Động kinh, hay giật kinh phong, thực chất chỉ là một tật bệnh như bao bệnh tật khác mà đời người đau khổ chúng ta phải chịu đựng. Một thống kê cho thấy, có tới có hơn 1% dân số thế giới mắc chứng bệnh này. À, mà nó còn không lây nữa cơ! 

Tôi nhớ năm 2013, xã hội Nhật đã nảy ra một cuộc tranh luận dữ dội khi Hạ viện thông qua dự án Luật Giao thông sửa đổi có tình tiết xử lý hình sự đến 15 năm tù đối với những người mắc các chứng bệnh có thể bị bất tỉnh bất cứ lúc nào như chứng động kinh hay tâm thần phân liệt mà gây tai nạn chết người. Xã hội Nhật bấy giờ từng rúng động khi một lái xe trong khi lên chứng giật kinh phong đã mất kiểm soát đâm trúng một nhóm học sinh làm 6 người tử vong. Cái lý của những người phản đối là không có thống kê nào cho thấy những người mắc chứng giật kinh phong gây tai nạn nhiều hơn những người khác. 

Ở ta, luật không cấm hành nghề cả lái xe cũng như nhân viên y tế đối với những bệnh nhân giật kinh phong. Mà công dân thì được làm những gì pháp luật không cấm. Nói thế cho nhanh!

Tất nhiên, giá nếu cái anh phó phòng nọ chỉ là một bệnh nhân thông thường thì dư luận đã không "lên cơn co giật" như thế! Anh, lại là con của bố anh! Bố anh, lại là sếp của anh. Và rồi, báo chí đúng ở 2 chữ thần tốc: 6 tháng cho cả tuyển dụng lẫn bổ nhiệm.

Ôi cái câu hỏi kinh điển: Đồng chí này là con của đồng chí nào!

Ôi cái quy trình "huyền thoại" luôn đúng, lần này tiếp tục lại được lôi ra.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng khẳng định: "Tuyển người tài chứ không tuyển người nhà"! Nhưng xem ra tinh thần của Thủ tướng, của Chính phủ vẫn chưa xuống được tới các địa phương.

Cho nên, để xã hội không "lên cơn co giật", cái cần điều chỉnh, không phải là những bệnh nhân động kinh, mà là những cơn giật kinh phong trong đầu những người làm tổ chức. Đó dường như mới là căn bệnh đang vô phương cứu chữa.

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn