MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Không được công nhận là nghề, phụ nữ tham gia mại dâm đang bị phân biệt đối xử

Công nhận mại dâm là nghề, “vướng” ở đâu?

QUANG ĐẠI LDO | 31/03/2018 09:42
Vấn đề nên hay không nên công nhận mại dâm là một nghề đã trở thành chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, nhưng tiếp tục được dư luận quan tâm sau ý kiến phát biểu gần đây của ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn (Bộ LĐTBXH).

Theo ông Nguyễn Xuân Lập, cái khó của việc công nhận mại dâm là một nghề là: “Nếu theo luật giáo dục nghề nghiệp, đã có nghề phải có tiêu chuẩn nghề, ông tổ nghề, có bộ giáo trình dạy nghề được cấp, thang bảng lương... vô cùng phức tạp!”.

Tuy nhiên, thực tế trong xã hội có rất nhiều nghề nghiệp không cần gì giáo trình, ông tổ nghề hay tiêu chuẩn, thang bảng lương gì cả, như nghề thả ống lươn, đánh cá, quét rác, thu mua ve chai, bán vé số… Nghề, thực chất là công việc “kiếm cơm”, đem lại thu nhập để lo cho cuộc sống. 

Vậy, cái “vướng” của việc công nhận mại dâm là một nghề ở nước ta là chỗ nào? Trước hết, là quan niệm truyền thống của phương Đông, coi tình dục là thiêng liêng, chỉ gắn với hôn nhân, còn tình dục ngoài hôn nhân là xấu xa, suy đồi. Cùng với đó, là quan niệm nếu công nhận mại dâm là một nghề, sẽ là sự xúc phạm, coi thường nhân phẩm phụ nữ. Một lý do nữa, là tâm lý e ngại sẽ làm lây lan “tệ nạn xã hội”, thanh niên hư hỏng, đạo đức xuống cấp…

Chung quy lại, vẫn là quan niệm về “đạo đức”, “truyền thống” hay “thuần phong mỹ tục” trở thành rào cản chính trong việc công nhận, hợp pháp hóa nghề mại dâm, hình thành các “khu đèn đỏ”.
Tuy nhiên, những người theo “phe đạo đức” cố tình quên đi một thực tế rằng, dù có công nhận hay không thì mại dâm đang là hoạt động mưu sinh của hàng trăm nghìn người, trong đó chủ yếu là phụ nữ. Cùng với đó là các hoạt động môi giới, bảo kê, xã hội đen, và có cả bóng dáng của cán bộ, công chức chống lưng phía sau.

Nạn nhân của tình trạng tranh tối tranh sáng này, không ai khác chính là phụ nữ. Họ bị mua chuộc, ép buộc để tham gia ngành công nghiệp tình dục, nộp phí bảo kê, và không ít người chịu áp bức, đánh đập hoặc cưỡng bức; không được hưởng các quyền lợi của người lao động hay sự tôn trọng nhân phẩm. Ngay cả “khách hàng” cũng bị ảnh hưởng như nguy cơ nhiễm bệnh truyền nhiễm, bị pháp luật “sờ gáy”…

Trong thời đại 4.0, thế giới ngày càng “phẳng” hơn, chúng ta tiếp nhận, đón nhận những giải pháp, cách ứng xử đã trở thành thông lệ quốc tế, cho dù còn vấp phải những rào cản nhất định.

Thiết nghĩ, xã hội cần có một quan niệm đầy đủ, đúng và nhân văn về hoạt động mại dâm, để xây dựng hành lang pháp lý và biện pháp quản lý phù hợp, thay vì để tình trạng “tranh tối tranh sáng”, “cấm không được thì buông lỏng” như hiện nay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn