MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sau khi thâu tóm Uber Đông Nam Á, Grab Việt Nam cho biết không có trách nhiệm trả nợ thuế cho Uber.

Cú bán mình của Uber và nguy cơ “xù” nợ thuế tại Việt Nam

Thế Lâm LDO | 06/04/2018 15:00
Hôm qua (5.4), Grab Việt Nam đã tuyên bố không có trách nhiệm phải nộp khoản nợ thuế của Uber đối với Cục Thuế TPHCM (còn lại 53,3 tỉ đồng) vì trong thương vụ sáp nhập vừa qua Uber B.V cho biết sẽ tự giải quyết vấn đề này.

Trong khi đó, từ ngày 8.4 tới, Uber hoàn toàn không còn hoạt động gì tại Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Thay vào đó, Cty này chiếm 27,5% cổ phần tại Grab.

Cần biết rằng, thông tin theo tuyên bố của Grab là Uber sẽ tự giải quyết vấn đề nợ thuế, cũng chỉ là ý kiến một chiều. Còn phía Uber, sau bao năm hoạt động tại Việt Nam, hoàn toàn bằng pháp nhân Uber B.V tại Hà Lan chứ không có pháp nhân tại Việt Nam. Và hiện nay, Uber B.V đang có một vụ kiện lại Cục Thuế TPHCM về việc bị áp các khoản thuế và phạt trên (tổng cộng khoảng 68 tỉ đồng). Tuy nhiên cách đây vài tháng, Uber đã nộp một khoản 13,3 tỉ đồng.

Grab không chịu trách nhiệm về khoản nợ thuế của Uber sau khi sáp nhập, Uber thì sắp “lặn” mất tăm, nguy cơ về việc mất khoản thuế 53,3 tỉ đồng là rất lớn. Trên thực tế, ngay lúc này, các điều khoản thỏa thuận giữa Uber và Grab trong thương vụ sáp nhập cũng chỉ có hai bên biết, các cơ quan chức năng chưa được báo cáo, đặc biệt là với những điều khoản có tính chi tiết và cụ thể thì càng mờ mịt là thỏa thuận ra sao.

Ý kiến của một số luật sư cho rằng, sau khi sáp nhập, Grab vẫn kinh doanh tại thị trường Việt Nam và Uber vẫn nắm giữ hơn ¼ cổ phần tại Grab. Là cổ đông lớn, phía Grab phải có trách nhiệm thực hiện khoản nợ thuế. Trong khi đó, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, vấn đề còn phụ thuộc vào thỏa thuận cụ thể giữa hai bên là như thế nào, nhưng các điều khoản không được công bố cho bên thứ ba hoặc các cơ quan chức năng biết thì cũng chẳng thể nào xác thực được rằng Grab phải có trách nhiệm “gánh” khoản nợ thuế của Uber tại Việt Nam hay không.

Trên thực tế, văn phòng của Uber tại Hà Nội và TPHCM cũng đã chấm dứt hoạt động từ nhiều ngày trước và các nhân viên chỉ còn chờ được thanh toán các chế độ.

Ngay cả Cục Thuế TPHCM lúc này cũng đang rất bối rối chưa biết phải “nắm” ai để xử lí món nợ thuế 53,3 tỉ đồng của Uber. Nếu Cục Thuế TPHCM không thu được, thì đây đúng là cú bán mình và cách “xù” nợ thuế một cách ngoạn mục của Uber tại Việt Nam.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn