MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một lớp luyện chữ cho bé trước khi vào lớp 1 ở TPHCM (Ảnh: dantri.com.vn)

Cuộc đua học chữ trước khi vào lớp 1, nên chăng có thêm lớp “mầm già” cho trẻ?!

Thủy Lâm LDO | 24/07/2017 17:47
Về lý thuyết thì không nên cho trẻ học chữ trước khi vào lớp một. Thế nhưng, hầu hết phụ huynh có con sắp vào lớp 1 đều chạy đua cho con học chữ. Chắc chắn, đây là điều không tốt đối với trẻ, nếu không, Bộ GDĐT đã tạo thêm một lớp nữa cho trẻ rời mầm non vào lớp 1, có thể gọi là lớp “mầm già” cho đồng bộ trên toàn quốc!

Điều dễ nhận thấy, đó là sự thiếu đồng bộ giữa các em học sinh với nhau. Một lớp học dạy chữ cho học sinh nhưng một số em đã biết đọc, biết viết thành thạo, một số em thì có biết nhưng chưa thành thạo, số khác thì chưa hề đi học trước…, giáo viên sẽ dạy theo phương pháp nào để đảm bảo chất lượng của lớp học?

Chưa kể, những em đã biết trước rồi sẽ không thèm học và trêu đùa chọc phá các bạn, những em chưa biết gì thì hoang mang lo lắng. Với những học sinh chưa học trước, sự tự ti mặc cảm sẽ từ đây mà nảy sinh. Với những em đã được học trước sẽ đánh mất hoàn toàn sự hào hứng, thú vị của một học sinh lớp 1. Tuy nhiên, phụ huynh sẽ chọn gì giữa mất hứng thú và sự hoang mang, nếu là bản thân tôi thì tôi cũng đành phải chọn cho con học trước.

Ngoài ra, chuyện phải cho trẻ học trước bằng mọi giá, ngay cả đối với một số địa phương thực hiện nghiêm túc việc cấm dạy, dẫn đến việc phụ huynh cho con đi học tự do ở các lớp kèm tại nhà của giáo viên không cần biết đạt chuẩn hay không. Điều này cũng tạo thêm khó khăn cho giáo viên nhận lớp 1, bởi mỗi giáo viên một phương pháp khác nhau (chọn bút viết, cách cầm bút, tư thế ngồi viết, phát âm…). Các em đã quen rồi nên để uốn nắn cho đúng chuẩn là điều không dễ.

Áp lực bệnh thành tích cũng là một vấn nạn của dạy trước. Với những trường cho dạy trước lớp 1 đương nhiên là chất lượng của lớp 1 ban đầu sẽ có nhích hơn những trường cấm triệt để không cho dạy. Giáo viên lớp 1 cũng đâm ra lười biếng, bởi thay vì phải vất vả với các em những buổi đầu thì giờ đây, việc đó đã được người khác làm thay, hoặc là chính họ đã làm trước đó và được trả tiền (dạy thêm). Vì thế, rất dễ tạo ra tâm lí giáo viên muốn dạy học sinh đã được học trước còn những em không học trước có nguy cơ bị bỏ rơi.  

Nhiều người cho rằng, vì phụ huynh muốn cho con học trước nên mới xảy ra tình trạng này. Bản thân tôi cũng từng là một phụ huynh, cháu thứ nhất, tôi đã theo lí thuyết giáo dục, không cho học trước, cháu đã rất khó khăn để qua được lớp 1. Rút kinh nghiệm, cháu thứ hai tôi đã cho đi học trước và tình hình khả quan hơn nhiều. Rõ ràng, không thể đổ trách nhiệm cho phụ huynh, bởi liệu họ có đủ bản lĩnh nói không giữa rất nhiều người cho con đi học trước. Chắc chắn là không, bởi không ai muốn con mình trở thành… cá biệt.

Nhà quản lí phải quản lí nghiêm và chặt chẽ chỉ thị của Bộ GDĐT “Tuyệt đối không tổ chức dạy trước chương trình lớp 1 cho trẻ, không yêu cầu trẻ tập tô, tập viết chữ”. Chỉ khi việc thực hiện triệt để với tất cả các đối tượng thì việc học trước chương trình mới không diễn ra. Thực hiện được điều này không chỉ đem đến cho các em một lớp 1 đúng nghĩa mà còn bớt đi một gánh nặng cho phụ huynh học sinh, gánh nặng tiền học phí và áp lực tâm lí chạy đua.

Nếu điều đơn giản này mà vẫn không thể làm được, tôi nghĩ, Bộ GDĐT nên sáng tạo ra một phương án mới - “lớp mầm già” - để cho việc giáo dục trở nên đồng bộ hơn chăng?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn