MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Viện KHXH VN vừa được kết luận nhiều sai phạm trong đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ (Ảnh VNN)

Cười đứt ruột với chuyện hài "lò ấp tiến sĩ"!

Anh Đào LDO | 28/08/2017 14:59
Đọc xong cái kết luận thanh tra, mới biết không gì là không thể xảy ra ở VN, mới biết dân gian không giỡn chơi khi bảo "lò ấp tiến sĩ"! Nhưng "mót" học vị, nhưng "cháy thầy" đến độ tiến sĩ ngành kinh tế đi hướng dẫn nghiên cứu sinh chuyên ngành giáo dục thì đúng là...

Có một con số thật không thể tin nổi. Một thầy, cùng lúc hướng dẫn 44 học viên nghiên cứu sinh. Mà 44 học viên này lại ở 3 ngành chẳng hề liên quan đến nhau - kết luận mới tinh của Thanh tra Bộ Giáo dục.

Cùng lúc hướng dẫn 44 học viên ở 3 ngành học. Vậy là thánh chứ người thường sao làm nổi. 

Mỗi năm, lò ấp cho ra đời 350-430 tiến sĩ, chưa kể hàng ngàn thạc sĩ. Nhưng với cung cách đào tạo thế này, có lẽ, rất khó để nói về một đầu ra "thạc sĩ ra thạc sĩ, tiến sĩ ra tiến sĩ"! Và nhận lãnh hậu quả, là nền KHXH nói riêng cũng như cả xã hội nói chung.

Bởi những thạc sĩ, tiến sĩ cấp tập này hoặc sẽ nhận lãnh những vị trí trọng trách trong bộ máy công quyền, liên quan trực tiếp đến quyền lợi của dân. Hoặc để lại điều tiếng về số lượng khổng lồ nhưng chẳng giúp được gì cho xã hội, chưa kể còn tạo ra nỗi hoài nghi, sự mất mát niềm tin đối với những học vị, về mặt lý thuyết, sẽ là người tạo ra chất xám, "gia tăng giá trị" của cải xã hội.

Cách thức đào tạo quá cấp tập chứa quá nhiều vi phạm và những câu hỏi tiềm ẩn về chất lượng này chỉ có thể giải thích bằng quy luật cung cầu. Rằng nhu cầu thạc sĩ, tiến sĩ quá lớn, và gấp, và mót đến độ ngay cả lò tiến sĩ cũng "cháy" thầy. 

Nhưng nói đi cũng phải nói lại. Chính căn bệnh háo danh đã làm hại chúng ta.

Nhớ 5-7 năm trước, dư luận mắt tròn mắt dẹt khi Hà Nội công bố chiến lược cán bộ - dân hay gọi là "phổ cập hoá tiến sĩ"- với mục tiêu: đến 2020, có 100% cán bộ diện UBND TP quản lý có trình độ trên đại học (50% trong đó là tiến sĩ), 100% cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn có trình độ đại học (50% trong số đó có trình độ trên đại học).

Năm ngoái, một quan chức thủ đô gãi đầu gãi tai trước kết quả tinh giảm không mấy khả quan, rằng là vì "nếu như căn cứ theo tiêu chuẩn cứng về trình độ đại học, lý luận chính trị thì cũng rất khó cho việc tinh giản biên chế vì Hà Nội đã chuẩn hóa cán bộ, kể cả cán bộ phường cũng có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ"!

Giờ là 2017 rồi. 

Muốn có một chỗ trong bộ máy, và để cho khó tinh giảm, người ta còn biết làm gì khác ngoài việc sống chết phải có một học vị?! Dù chẳng biết dùng cái thạc sĩ hay tiến sĩ ấy nghiên cứu cái gì, ngoài việc in lên cạc vi dít.

Muốn chấp dứt câu chuyện loạn tiến sĩ, muốn để các tiến sĩ không còn là nỗi băn khoăn trước những đề tài đại khái "đặc điểm tiếp dân của Chủ tịch xã", có lẽ phải bắt đầu từ việc chấm dứt thói háo danh định ghế bằng học vị trong hệ thống cơ quan nhà nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn