MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đề thi THPT quốc gia 2018 có nhiều môn bị thí sinh than khó. Ảnh: Hải Nguyễn

Đáp án môn Ngữ văn: "Nói xuôi cũng được, nói ngược cũng xong"?

QUANG ĐẠI LDO | 28/06/2018 09:11
Trước một đề thi THPT quốc gia có những câu hỏi gây tranh cãi, đáp án môn Ngữ văn của Bộ GDĐT đã chọn phương án an toàn, né tránh việc nêu phương án cụ thể, chi tiết.

Câu 4 phần đọc hiểu: “Theo anh/chị, quan điểm của tác giả trong hai dòng thơ: “Ta ca hát quá nhiều về tiềm lực/tiềm lực còn ngủ yên” có còn phù hợp với thực tiễn ngày nay hay không? Vì sao?” được xem là một câu hỏi rất khó.

Nhưng Bộ GDĐT đã đưa ra đáp án: “Thí sinh có thể trả lời: Quan điểm của tác giả còn phù hợp/không còn phù hợp/phù hợp một phần nhưng phải lí giải hợp lí, thuyết phục”.

Tiềm lực tự nhiên của đất nước là hiện thực khách quan, chân lý chỉ có một, thế nhưng đáp án nêu ra cách trả lời “nói xuôi cũng được, nói ngược cũng xong”. Và cũng không làm rõ: Đúng/sai ở chỗ nào, lý giải ra sao thì hợp lý, thuyết phục?.

Nghĩa là, ngay cả người ra đề cũng mơ hồ trong lí giải vấn đề, đẩy cho giám khảo “chịu trận”.

Nguyên tắc chấm thi phải dựa vào đáp án, đáp án phải rõ ràng, cụ thể, chi tiết; nhưng Bộ GDĐT đã không tuân thủ. Đành rằng điểm số của câu này chỉ là 1/10, nhưng cho thấy sự lúng túng của người làm đề.

Mặt khác, với độ khó và yêu cầu viết thành đoạn văn (thực chất là bài văn ngắn), thì cơ cấu 1 điểm là không chuẩn. Câu hỏi này cũng không phải là dạng câu hỏi “Đọc-hiểu”, mà đã bước sang địa hạt “Làm văn”.

Câu 1 phần Làm văn “Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ về sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước của mỗi cá nhân trong cuộc sống hiện nay” cũng cần một đáp án chi tiết.

Thế nhưng, đáp án chỉ mang tính chất gợi ý chung chung “Xuất phát từ thực tiễn đất nước, mỗi cá nhân cần ý thức được sứ mệnh của mình, có hành động cụ thể để đánh thức tiềm lực của bản thân; từ đó tác động tích cực đến cộng đồng nhằm đánh thức tiềm lực của đất nước”.

Đúng như chúng tôi đã nhận định trong bài nhận xét đề thi Ngữ văn THPT quốc gia 2018, đáp án đã rơi vào tình trạng hô hào sáo rỗng, nói như GS.TS Trần Đình Sử là “hư văn”.

Ngay cả đáp án cũng mơ hồ, nhưng lại yêu cầu thí sinh “Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề; có cách diễn đạt mới mẻ”. Giám khảo cũng sẽ rất đau đầu với câu hỏi thế nào là “cách diễn đạt mới mẻ” và ngược lại.

Câu 2 phần Làm văn tiếp tục có đáp án gây thất vọng, khi mà thí sinh chỉ cần chép lại đề thi đã có 0,5 điểm, phần nhiều điểm nhất (2 điểm) hầu như chỉ nhắc lại cốt truyện đã có 1 điểm.

Phần trọng tâm của đề thi là “Nhận xét về cách nhìn hiện thực của hai tác giả”, được diễn giải dài dòng nhưng chỉ có 0,5 điểm. Với đề này, không chỉ thí sinh mà rất nhiều GV Văn sẽ làm không đúng ý đáp án.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn