MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vụ bé Hào Anh ở Cà Mau bị chủ đầm tôm tra tấn từng gây xôn xao dư luận. Ảnh: Internet

Để chấm dứt những cơn “địa chấn lương tâm"

Anh Đào LDO | 06/04/2017 21:06
Tôi vừa đọc trên báo việc khởi tố vụ "cha đánh con gái"! Tôi vừa nhìn bức ảnh chụp lại một phần thân thể của bé bị đánh bầm dập! Và tôi không ngạc nhiên nếu ngày mai dư luận xã hội sẽ lên tiếng lên án trong một cơn "địa chấn lương tâm" tập thể!

Nên nhớ, chúng ta là quốc gia đầu tiên ký vào bản Công ước về quyền trẻ em. Và chúng ta có tới 5-7 cơ quan có chức năng, nhiệm vụ bảo vệ trẻ em.

Nhưng, như trong vụ bé Hào Anh ở Cà Mau bị chủ đầm tôm tra tấn hay vụ bé gái bị chủ quán phở ở ngay giữa Thủ đô đọa đầy năm nào..., vụ việc chỉ được tình cờ phát hiện khi "bé gái Vĩnh Phúc" được đưa tới bệnh viện, được một ai đó chụp hình những vết thương "ác hơn đánh quân thù" và đưa nó lên mạng xã hội!

Cơ quan chức năng không thể xông vào từng nhà, không thể biết hết những gì xảy ra sau cánh cửa một đầm tôm, một quán phở, một phòng khách gia đình. Điều đó đúng! Nhưng bảo vệ, còn có nghĩa là giáo dục, là nâng cao hiểu biết chứ đâu phải chỉ là đi họp và viết báo cáo!

Nói cho công bằng, những vụ cha đánh con, thậm chí mang tính chất bạo hành không phải bây giờ mới xảy ra.

Nói cho công bằng, nhận thức Á Đông (hay tâm lý tiểu nông) vẫn khiến các bậc cha mẹ, ngay trong tư duy, cho rằng mình có quyền đánh con, cho rằng đó cũng là một biện pháp giáo dục.

Tôi có người bạn vong niên năm nay đã 48 tuổi. Mỗi độ la đà, câu chuyện kinh điển của anh là những trận đòn roi của cha. Có một lần, người cha, vì cáu giận, đã đào hố chôn anh! Vết thương ngoài da có thể chữa lành bằng thời gian, nhưng những vết thương ký ức thì không bao giờ lành, nó gây ra những tổn thương, những khuyết tật trong tâm hồn mà không một loại thuốc nào có thể chữa nổi! Phải chăng mà vì thế, như bạn tôi, 48 tuổi vẫn chưa kết hôn, vì anh sợ cuộc sống gia đình, vì anh không tin vào khái niệm hạnh phúc?!

Việc khởi tố vụ cha đánh con ở Vĩnh Phúc hôm nay có thể là một trường hợp hy hữu bởi tình trạng đánh đập, bạo hành con cái là quá phổ biến!

Thưa các bạn! 10 năm sau hãy hỏi những đứa trẻ điều mà chúng nhớ nhất. Câu trả lời sẽ là một trận đòn của cha. 20 năm sau hãy hỏi lại lần nữa. Câu trả lời không thay đổi đâu!

Bây giờ không còn là thời "yêu cho roi cho vọt" bởi đánh con chưa và không bao giờ là một biện pháp giáo dục.

Có thể còn phải mất nhiều thời gian để chúng ta cảm thấy bất nhẫn, cảm thấy không được phép, cảm thấy là vô giáo dục mỗi khi giơ tay, rút vọt trước những đứa trẻ của mình. Cũng còn quá sớm để có thể hiểu và chấp nhận chuyện "con báo cảnh sát khi bị cha mẹ đánh đập" (như chúng ta vẫn hay chép miệng "Chuyện ở Mỹ")!

Nhưng từ vụ bạo hành ở Vĩnh Phúc, chúng ta hoàn toàn có thể lên tiếng! Lên tiếng để bảo vệ sự toàn vẹn tâm hồn của những đứa trẻ. Lên tiếng để đưa vào dĩ vãng "biện pháp giáo dục đòn roi"! Lên tiếng để những vụ bạo hành thực sự chỉ còn là cá biệt. 

Phải chăng phải động tay động chân chỉ đang chứng tỏ sự bất lực, nếu như không nói là thiếu giáo dục của cha mẹ?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn