MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thí sinh THPT quốc gia tại Hà Nội. Ảnh: Hải Nguyễn

Đề thi THPT quốc gia bị than khó: Bộ GD-ĐT tránh “mưa điểm 10”?

QUANG ĐẠI LDO | 26/06/2018 11:37
Kỳ thi THPT quốc gia 2018 đã đi qua nửa chặng đường, không xảy ra sự cố gì lớn, nhưng đề thi nhiều môn liên tục bị thí sinh, giáo viên than khó. Nhiều người cho rằng, đây là giải pháp ngăn “mưa điểm 10” của Bộ GD-ĐT.

Đề thi Ngữ văn THPT 2018 được đánh giá là vừa sức đối với…giáo viên. Thậm chí, ngay cả không ít giáo viên cũng thú nhận bó tay với cách ra đề lắt léo, đánh tráo khái niệm, yêu cầu trừu tượng, khó hiểu của người ra đề.

Môn Toán cũng xảy ra tình trạng tương tự. Thông tin cho hay, có không ít thí sinh rời phòng thi môn Toán trong nước mắt, vì đề thi quá khó. Đề có 50 câu trắc nghiệm, dài 5 trang. Thời gian làm bài 90 phút. Nhiều thí sinh cho biết dù là dân chuyên toán cũng thấy khó vì đề quá dài, thao tác với máy tính nhiều nên khá mất thời gian, nhiều câu phân loại thí sinh một cách rõ rệt, đặc biệt từ câu 35 trở đi.

Sáng nay (26.6), đề thi môn Vật lí cũng bị thí sinh than là “rất khó”, cả môn Vật lí và Hóa học có nhiều bài tính toán phức tạp, thời gian làm bài ngắn, trong 50 phút phải trả lời 40 câu trắc nghiệm. Nếu không phải là học sinh chuyên, học sinh giỏi thì rất khó xoay xở.

Nhiều giáo viên nhận định, “rút kinh nghiệm” từ những trận “mưa điểm 10” năm trước - đánh giá không thực chất, làm khó các trường ĐH trong khâu tuyển sinh, năm nay, đã có chủ trương ra đề khó, có tính phân loại cao.

Cách ra đề này càng bộc lộ rõ sự bất cập, không phù hợp với thực tiễn của một kỳ thi “2 trong 1”.

Ngay cả người ra đề, làm đáp án cũng rất lúng túng, khó khăn để đảm bảo dung hòa giữa hai mục tiêu: Đánh giá, sát hạch công nhận tốt nghiệp và căn cứ tuyển sinh ĐH.

Hai mục tiêu nói trên không tương đồng, thậm chí trái ngược nhau. Một bên chỉ yêu cầu đạt trung bình là công nhận, “cho qua”;  bên kia yêu cầu tuyển chọn những thí sinh giỏi.

Mặt khác, sự phân hóa, không đồng đều về trình độ giữa học sinh trường chuyên, lớp chọn, trường điểm với học sinh vùng khó khăn, hệ giáo dục thường xuyên là rất lớn. Tất cả thi chung một đề là không công bằng.

Đã đến lúc, Bộ GD-ĐT cần lắng nghe ý kiến các chuyên gia, giao việc thi, xét tốt nghiệp THPT về cho các trường, các Sở GD-ĐT. Còn tuyển sinh ĐH là công việc của các trường ĐH. Việc thi, xét tuyển cũng không nhất thiết phải diễn ra trong cùng một đợt, mà có thể linh hoạt.

Nếu áp dụng, sẽ không còn cảnh thí sinh chỉ chậm vài chục phút mà lỡ làng cả một năm trời, hoặc thí sinh bị tai nạn gãy tay phải nhờ người chép hộ bài thi.

Việc thi cử, đánh giá cần thực chất, khoa học chứ không cần phải hình thức và quá nặng nề.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn