MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
TPHCM đề xuất thu phí xe ô tô vào trung tâm - ảnh H.T

Đề xuất thu phí xe ô tô vào trung tâm TPHCM: Ai hưởng lợi?

Huyền Trân LDO | 19/10/2017 13:36

Dư luận đang quan tâm về đề án thu phí xe ô tô vào khu trung tâm TPHCM do một doanh nghiệp nghiên cứu. Theo đó, xe ô tô vào trung tâm sẽ phải nộp phí (30.000 -50.000 đồng) thông qua 36 cổng thu tự động đặt trên một vành đai.

Mục tiêu chính thành phố đặt ra là giải quyết kẹt xe ở khu trung tâm, chứ không nhằm kinh doanh hay tận thu. Đây là mục tiêu rất trong sáng, rõ ràng. Thế nhưng, nội dung đề xuất đang khiến dư luận không khỏi ngờ vực về tính khả thi cũng như lợi ích đề án mang lại e rằng không đúng đối tượng.

Thứ nhất, vấn đề kẹt xe của TPHCM hiện nay không tập trung ở trung tâm, mà ở một số khu vực lân cận ngoài khu trung tâm, vậy giải quyết kẹt xe ở khu ít kẹt xe thì có ý nghĩa gì? Hơn thế, kẹt xe không chỉ do xe ô tô, mà chủ yếu vì xe gắn máy quá nhiều (khoảng 8 triệu chiếc). Do đó, khi thu phí xe ôtô vào trung tâm sẽ phát sinh thêm một lượng lớn xe gắn máy thay thế đổ vào trung tâm.

Giả sử, có kẹt xe ở khu trung tâm đi nữa thì việc tạo vành đai quanh khu trung tâm cũng khó giải quyết được kẹt xe, ngược lại khả năng còn làm tăng thêm nguy cơ kẹt xe ở những khu vực khác. Bởi khi thu phí, các xe không vào trung tâm sẽ chạy lòng vòng quanh khu vực vành đai làm gia tăng thêm mật độ giao thông ở khu vực này hoặc xe ô tô tìm cách đi vào những hẻm nhằm né phí, khiến giao thông thêm lộn xộn.

Mục tiêu đặt ra là giải quyết hết kẹt xe, nhưng nếu thu phí mà thực tế không hết kẹt xe hoặc làm phát sinh thêm những điểm kẹt xe mới thì ai chịu trách nhiệm trước dân? Khi đó, dự án đầu tư hơn 1.700 tỉ đồng này liệu có lãng phí?

Thứ hai, người dân được lợi gì? Xin thưa ngay, lợi thì chưa thấy, còn thiệt là điều không tránh khỏi. Không thiệt sao được, khi người dân đã và đang chịu rất nhiều khoản phí, thuế được áp dụng chung cho cả nước, sắp tới lại chịu thêm khoản thu phí xe ô tô của riêng TPHCM. Với mức phí 30.000 - 50.000 đồng/xe, dù là xe ô tô cá nhân hay xe taxi, xe tải, xe thương mại thì tất cả những khoản này cuối cùng đều đổ lên vai người dân.

Thứ ba, ai hưởng lợi? Một đề án mà tính khả thi không cao, mục tiêu giải quyết kẹt xe có nguy cơ phá sản, còn người dân lại thêm gánh nặng phí, thì việc gì phải bỏ ra hơn 1.700 tỉ đồng để đầu tư.

Dù là nguồn vốn ngân sách hay xã hội hóa thì suy cho cùng người dân vẫn phải gánh chịu để hoàn vốn đầu tư. Nếu thành phố không cân nhắc, tính toán kỹ thì có lẽ đối tượng hưởng lợi nhiều nhất không ai khác chính là nhà đầu tư, bởi suy cho cùng doanh nghiệp đầu tư vào dự án này cũng không nằm ngoài mục đích chính là bán công nghệ, thiết bị, máy móc để đem về lợi ích cho họ mà thôi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn