MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Nguyễn Khoa Hoài Hương - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thừa Thiên - Huế (bên trái) trong lễ ký kết với Bảo hiểm Xã hội tỉnh về khởi kiện ra tòa đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN. Ảnh: Đăng Khoa

Đơn giản hóa thủ tục khởi kiện để... cứu người lao động

Phạm Văn Chung (Kon Tum) LDO | 04/04/2017 09:50
Tình trạng doanh nghiệp (DN) nợ lương, tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (gọi tắt là bảo hiểm) trở thành vấn đề xã hội bức xúc trong thời gian gần đây. Trong đó, nợ tiền bảo hiểm đang trở thành vấn nạn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động và gây tác hại nhiều mặt đối với đời sống xã hội.

Nếu DN không đóng bảo hiểm, người lao động sẽ không được hưởng chế độ thai sản, ốm đau không được thanh toán bảo hiểm y tế, thôi việc, đến tuổi nghỉ hưu không được hưởng chế độ hưu trí, trợ cấp... Tuy nhiên, dưới góc độ bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến việc thủ tục khởi kiện đòi nợ bảo hiểm khó khăn, phức tạp đã làm nản lòng cơ quan chức năng và chính người lao động khi khởi kiện nợ bảo hiểm ra tòa. Nhiều trường hợp công đoàn cơ sở khởi kiện thì đơn kiện bị trả lại do chưa đúng thủ tục pháp lý.

Theo quy định hiện hành muốn đòi nợ bảo hiểm, công đoàn cơ sở sẽ gửi đơn đến Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội cấp huyện yêu cầu hòa giải, trường hợp hòa giải không thành thì hồ sơ được chuyển đến Chủ tịch UBND cấp huyện giải quyết. Sau 7 ngày mà Chủ tịch UBND cấp huyện không giải quyết được hoặc không giải quyết thì công đoàn cơ sở mới có quyền khởi kiện ra tòa.

Nhìn vào quy trình khởi kiện đòi nợ trên, có thể thấy ngay rắc rối, bất cập. Tại sao không giao cho cơ quan bảo hiểm xã hội trực tiếp khởi kiện ra tòa như trước đây? Hay không bỏ qua thủ tục hòa giải mà để Chủ tịch UBND cấp huyện giải quyết? Tại sao không thực hiện quy trình giải quyết đòi nợ bảo hiểm theo thủ tục rút gọn, đơn giản là để bảo vệ người lao động?

Có thể khẳng định rằng, các vụ nợ bảo hiểm của DN quá rõ ràng, tình tiết đơn giản; các đương sự đều có địa chỉ nơi cư trú, trụ sở rõ ràng, không cần xác minh, thu thập chứng cứ vẫn có thể tuyên buộc DN phải trả tiền nợ đúng quy định.

Trao đổi vấn đề này, anh bạn thẩm phán của tôi cho rằng, chỉ cần có đơn, giấy tờ nhân thân của người lao động, kèm bảng lương, hợp đồng của người lao động với DN và sổ sách thu của cơ quan bảo hiểm là có thể tuyên án với độ chính xác đảm bảo 100%! Việc quy định thủ tục hòa giải, Chủ tịch UBND huyện giải quyết là chẳng qua chỉ mang tính hình thức, gây khó khăn cho người lao động và cơ quan có liên quan trong việc khởi kiện, vì khi DN đã cố tình chây ỳ, không đóng bảo hiểm thì thủ tục hòa giải là vô nghĩa!

Theo chúng tôi, cần sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật hiện hành theo hướng cho phép nhiều cơ quan, cá nhân có quyền khởi kiện ra tòa án đòi nợ bảo hiểm. Theo đó, cho phép người lao động, các cấp tổ chức công đoàn (không chỉ có công đoàn cơ sở như hiện nay) và cơ quan bảo hiểm xã hội có quyền khởi kiện DN ra tòa để đòi nợ bảo hiểm. Bên cạnh đó, đơn giản hóa thủ tục khởi kiện, theo đó nếu DN nợ bảo hiểm thì người lao động, cơ quan liên quan có quyền khởi kiện ra tòa ngay, mà không phải thông qua các thủ tục mang hình thức khác.

Phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho DN làm sản xuất, kinh doanh là quan trọng, tuy nhiên không vì thế mà chúng ta đánh đổi quyền lợi của người lao động và gia đình của họ chỉ để phát triển kinh tế bằng mọi giá. Điều này không những ảnh hưởng tiêu cực đến mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước bền vững mà còn ảnh hưởng đến lợi ích của người lao động - bộ phận khá đông đảo hiện nay.

Trong một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh thì không thể chấp nhận tình trạng người lao động bị nợ bảo hiểm triền miên, bị nợ lương kéo dài. Bởi vì, đó là giá trị nhân văn, chuẩn mực tối thiểu của xã hội hiện đại, quyền lợi chính đáng của người lao động lẽ ra pháp luật phải có trách nhiệm đứng bảo vệ mà không chờ đến khi người lao động phải đi đòi.

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn