MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dòng sông đã được pháp lệnh hóa, nhưng trên thực tế nó vẫn khát khao công lý!

Dòng sông đang cần một sự công tâm!

Lục Tùng LDO | 10/11/2017 10:30
Mấy ngày nay, dư luận xã hội nóng lên với chuyện tỉnh Tiền Giang lấn sông Tiền để xây Công viên trái cây (CVTC). Dù Bộ TNMT đã ra lệnh dừng, nhưng nhiều người vẫn ái ngại khi thực tế chưa có giải pháp xử lý căn cơ nạn lấn sông, tác động đến dòng sông “huyết mạch” của cộng đồng.

Theo thiết kế, CVTC rộng gần 10ha, tọa lạc tại huyện Cái Bè, trong đó phần lấn sông 7ha nằm giữa ngã ba sông Tiền và sông Cái Bè. Theo lãnh đạo tỉnh Tiền Giang, trước khi phê duyệt dự án vào năm 2016, đã chỉ đạo huyện Cái Bè thuê đơn vị độc lập đánh giá tác động môi trường. Thế nhưng, mãi đến khi báo chí lên tiếng, tỉnh Vĩnh Long - địa phương giáp ranh trên nguồn - mới ... biết.

Nhưng, đây không phải là tỉnh đầu tiên và duy nhất tổ chức lấn “dòng sông chung” theo kiểu “ao làng”. Trước đó, năm 2015, tỉnh Đồng Nai cũng đã phê duyệt cho Cty CP Đầu tư - Kiến trúc - Xây dựng Toàn Thịnh Phát triển khai thi công Dự án “Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai” với quy mô 8,4ha tại phường Quyết Thắng (TP. Biên Hòa) và “láng giềng” cũng chỉ biết khi báo chí vào cuộc.

Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn (ĐH Cần Thơ), có thể các bên sẽ còn tranh luận hành động này ảnh hưởng thế nào đến dòng sông huyết mạch của cộng đồng, nhưng trước mắt, việc làm này đã vi phạm những nguyên tắc trong nước và quốc tế về quản lý tài nguyên nước trong lưu vực: “Phải được quản lý thống nhất, không chia cắt giữa các cấp hành chính, giữa thượng nguồn và hạ nguồn...”.

Tuy nhiên, trên thực tế, không dễ để xử lý, dù có nhiều cơ quan quản lý, hệ thống pháp lý... Do đâu? Do thiếu chính sách thực thi công lý. Luật Tài nguyên nước 2012 đã bổ sung nhiều khiếm khuyết so với bộ luật năm 1998..., nhưng vẫn còn quá nhiều bất cập.

Trước hết là vấn nạn “vừa đá bóng vừa thỏi còi”, vẫn trao quyền rất lớn cho chính quyền trong giải quyết tranh chấp, trong khi chính cơ quan này duyệt các công trình, thậm chí là chiếm tỷ lệ cao trong các tổ chức quản lý nguồn nước. Đó là chưa kể đến nạn thiếu cơ chế xét xử tranh chấp. Bởi, nếu không đồng tình với Tiền Giang, với Đồng Nai, thì các địa phương bị ảnh hưởng sẽ kiện ra tòa án nào?

Nếu là tòa Đồng Nai, Tiền Giang thì liệu nơi đây có phán quyết công bằng? Đó là chưa kể đến vướng mắc về tố tụng dân sự. Nếu người dân bị thiệt hại do sạt lở từ công trình lấn sông gây ra, theo quy định “nguyên đơn- người dân- phải tự chứng minh bên bị đơn có hành vi trái pháp luật, cũng như phải xác định được thiệt hại cụ thể để có cơ sở cho việc bồi thường”. Đây là điều không dễ với người dân. Đó là chưa kể đến yếu tố pháp luật tố tụng dân sự VN vẫn chưa chấp nhận cho khởi kiện tập thể.

Xem ra để giải quyết nạn lấn sông, không chỉ cần hoàn thiện pháp luật về quản lý tài nguyên nước. Quả là dòng sông đang rất cần một sự công tâm!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn