MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
(ảnh: Huy Thanh/nld.com.vn).

Dù cấm hay bỏ ăn thịt chó, gốc rễ vẫn phải từ ý thức văn minh

Thế Lâm LDO | 15/09/2018 16:17
Trong lúc dư luận đang bàn luận có nên cấm giết mổ và ăn thịt chó, mèo hay không sau khi UBND TP.Hà Nội có văn bản tuyên truyền người dân dần thay đổi thói quen ăn thịt chó, mèo, thì ngày 12.9 vừa qua, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật cấm giết mổ chó mèo để tiêu thụ.

Hạ viện Mỹ cũng đồng thời thông qua một nghị quyết không bắt buộc kêu gọi các nước khác chấm dứt việc buôn bán thịt chó, mèo. Các quốc gia được đề cập gồm: Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Indonesia, Campuchia, Lào và Ấn Độ.

Nếu ai đó bảo rằng ăn thịt chó là truyền thống của người Việt thì xin thưa rằng hoàn toàn không đúng. Đó chỉ là một thói quen mà những người ăn thịt chó trong dân gian thường cho rằng “khoái khẩu”. Nhưng với sự phát triển của văn minh xã hội thời nay, rất nhiều món ăn, cả mang tính truyền thống và “khoái khẩu” cũng không còn phù hợp với văn minh xã hội hiện đại.

Hai tờ báo mạng tại Việt Nam mấy ngày qua tổ chức khảo sát, trong số các câu hỏi có hai câu rằng: 1-Bạn có ủng hộ việc bỏ ăn thịt chó hay không?, và 2-Bạn có ủng hộ việc cấm giết mổ, kinh doanh thịt chó, mèo hay không?; kết quả ủng hộ ở câu 1 trên 60%, câu 2 trên 70%.

Tại Việt Nam, có muốn cấm giết mổ, kinh doanh và ăn thịt chó, mèo cũng không phải là chuyện đơn giản. Bỏ một thói quen không đơn giản; nhưng bỏ một kế sinh nhai, hay một sở thích của nhiều người thì càng không đơn giản.

Bởi có cấm thì cũng có thể sinh ra hành vi lén lút giết mổ và kinh doanh đáp ứng nhu cầu của không ít người vẫn còn muốn/thích ăn thịt chó, mèo. Chỉ khi nào, nhu cầu thay đổi theo hướng dần bỏ, thì các “lò” giết mổ và điểm kinh doanh thịt chó, mèo sẽ tự triệt tiêu đi.

Có một thuận lợi là ngày nay, ở nhiều địa phương, giới trẻ ít ăn thịt chó, mèo so với thế hệ cha ông. Ngay tại Hàn Quốc, quốc gia được cho rằng ăn thịt chó, mèo nhiều nhất thế giới, giới trẻ Hàn cũng dần dà nói “không” với thói quen ăn thịt chó.

Gốc rễ của vấn đề vẫn là sự nhận thức và ý thức. Giới trẻ ngày nay được học nhiều và học cao, được tiếp cận với văn hóa văn minh hiện đại, vì thế có thể tiếp nhận thông điệp không ăn thịt chó là văn minh một cách khá dễ dàng. Song đối với nhiều người, không chỉ tuyên truyền mà thậm chí tạo áp lực từ chính các thành viên trong gia đình và người thân cũng chưa chắc có kết quả, bởi quan trọng hơn là cần có các giải pháp về công ăn việc làm để họ chuyển đổi ngành nghề khi từ bỏ nghề giết mổ, kinh doanh thịt chó, mèo.

Nhưng ngay cả việc để họ từ bỏ, thì cũng phải bắt đầu từ thay đổi nhận thức của bản thân họ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn