MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sự xuất hiện cuả một ông cụ lớn tuổi trong bộ ảnh cùng hai cô gái ăn mặc hở hang khiến cộng đồng mạng bức xúc. Ảnh: Hana Minh Trần.

Đừng đem cái lí trình thưởng thức nghệ thuật để biện bộ

Thủy Lâm LDO | 15/03/2017 11:17
Đừng đem cái lí về trình thưởng thức nghệ thuật ra để cho rằng những tác phẩm như vậy là có tính nghệ thuật cao, chỉ tại người xem chưa đủ trình. Và khi có suy nghĩ như vậy, người nghệ sĩ sẽ tự cho mình cái quyền tự cao tự đại để biện hộ, công chúng phản đối chỉ vì họ không hiểu được tác phẩm đầy tính nghệ thuật của mình.

Mấy ngày qua, cư dân mạng lại tiếp tục dậy sóng bởi bộ ảnh chụp một ông già và hai cô gái ở một lò gốm. Đã có rất nhiều tranh cãi kịch liệt xung quanh bộ ảnh này bởi không có một điểm chuẩn nào để đánh giá hay thẩm định. Nhìn ra nhiều sự kiện liên quan đến nghệ thuật gần đây, nên chăng cũng có một cái nhìn khách quan từ nhiều góc độ khác nhau. Từ góc độ của một công chúng khi thưởng thức nghệ thuật, xin được chia sẻ một góc nhìn về những hiện tượng này.

Trước đó mấy ngày, Trấn Thành, một nghệ sĩ đa tài đã có một phát biểu gây sốc: Hãy tắt tivi nếu hài nhảm. Phát ngôn này đã nhận sự phản đối kịch liệt từ nhiều người, ngay cả những người không hề xem Trấn Thành biểu diễn, bởi nó đã đụng đến một vấn đề rất nhạy cảm đó là khán giả - công chúng. Cũng mới hôm qua, tôi được xem một clip được chia sẻ từ một bài hát trong chương trình bài hát Việt được phát trên kênh VTV3 Đài Truyền hình Việt Nam. Bài hát được phát thời gian đã lâu, do hai ca sĩ mặc đồ đen biểu diễn, họ gào rú và diễn trò, người xem không thể nghe được một từ nào từ hai ca sĩ. Bên dưới là hàng ngàn bình luận và gần 100% là phản đối và lên án thậm tệ. Hai cô gái và một ông già trong bộ ảnh ở lò gốm cũng nhận phần lớn sự phản đối và lời chỉ trích từ nhiều người ở nhiều thế hệ và nhiều nghề nghiệp trình độ khác nhau trong xã hội.

Nhớ lại vài tháng trước, chúng ta cũng đã có một cuộc tranh luận về áo dài không kém phần nóng bỏng để cuối cùng bản thân tôi cũng rất đồng tình với ý kiến của một tác giả rằng: Hãy để cái đẹp lên tiếng. Cách tân hay truyền thống, đổi mới hay sáng tạo… đến đâu đi nữa thì trước hết nó phải đẹp đã. Sẽ có người cho rằng, đẹp thì mỗi người một quan niệm, biết đâu là chuẩn mực. Dẫu biết là vậy nhưng nó vẫn có một cái chuẩn nào đó, cũng như những người đang bảo vệ Trấn Thành, đang đứng về phía bộ ảnh ở lò gốm hay tác giả của bài hát Việt ấy cho rằng nghệ thuật cũng tùy thuộc vào quan niệm của từng cá nhân.

Hơn nữa, nhiều người sẽ cho rằng người khác dị ứng là vì không đủ trình độ để thưởng thức, cảm nhận bởi sản phẩm nghệ thuật đòi hỏi một “trình” thưởng thức từ người xem. Điều đó không sai, nhưng tác phẩm nghệ thuật dù có cao sâu, thâm thúy đến đâu đi nữa thì nó chỉ thực sự có giá trị khi phục vụ công chúng, đem lại cho họ nhiều giá trị thẩm mỹ mà ít nhất cũng là giá trị giải trí.

Một người làm nghệ thuật, cũng là một người của công chúng, họ quá hiểu sự tôn trọng công chúng không chỉ là vấn đề của lương tâm nghề nghiệp mà còn là sự sống còn. Đừng đem nghệ thuật của thế giới ra để so sánh ở đây, nó khập khiễng lắm. Bởi nhiều người Việt thích nghe nhạc bolero, không thích opera không có nghĩa là người Việt không có cảm xúc thẩm mỹ. Hàng triệu người nghe Sơn Tùng và hàng ngày hát theo Sơn Tùng đâu phải vì tác phẩm của Sơn Tùng không có tính nghệ thuật cao? Điều đó không cần biết, bởi điều cậu ca sĩ này làm được là đã chinh phục được hàng triệu trái tim con người, đó không phải là vẻ đẹp của nghệ thuật thì là gì?

Bản thân tôi khi xem những bức ảnh của hai thiếu nữ ở lò gốm không thấy đẹp mà chỉ thấy sự gượng gạo và phản cảm nhiều hơn. Nếu hai cô gái ấy không chỉ ăn mặc như vậy mà nuy hoàn toàn ở chốn khác kiểu như Tuyệt tình cốc có lẽ sẽ là một bộ ảnh tuyệt vời. Được biết, một người trong nhóm đạo diễn bộ ảnh chia sẻ dụng ý nghệ thuật của bộ ảnh là biểu thị tình phụ tử gì gì đó. Không biết ở nước nào trên thế giới có cảnh như vậy, song ở Việt Nam, theo bản thân tôi được biết thì tôi vẫn nghĩ không có cô con gái nào lại ăn mặc hở hang và ưỡn ẹo như thế trước mặt cha mình, càng phản cảm hơn khi người trong hình còn đáng tuổi ông nội. Nếu là đứng đó để quan sát và học nghề gốm lại càng vô lý hơn.

Đừng đem cái lí về trình thưởng thức nghệ thuật ra để cho rằng những tác phẩm như vậy là có tính nghệ thuật cao, chỉ tại người xem chưa đủ trình. Và khi có suy nghĩ như vậy, người nghệ sĩ sẽ tự cho mình cái quyền tự cao tự đại để biện hộ, công chúng phản đối chỉ vì họ không hiểu được tác phẩm đầy tính nghệ thuật của mình. Để khẳng định một tác phẩm nghệ thuật có giá trị còn cần thêm sự sàng lọc của thời gian chứ không chỉ ở phong trào hâm mộ của công chúng. Song, bản thân nghệ thuật trước hết là phục vụ công chúng, đem đến cho họ những cảm xúc thẩm mỹ tốt đẹp.

 


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn