MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đừng quá dễ dãi với nhà sản xuất ôtô

Lê Thanh Phong LDO | 07/06/2017 14:15
Dự thảo Nghị định “Quy định về điều kiện kinh doanh sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô” được đưa ra lấy ý kiến và theo quan điểm của các chuyên gia, doanh nghiệp trong lĩnh vực này, thì nó còn quá dễ dãi cho nhà sản xuất ôtô nhập khẩu.

Các vấn đề căn bản nhất mà Nghị định phải đạt tới đó là: Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Muốn bảo vệ được thì phải đặt ra trách nhiệm của nhà sản xuất, trách nhiệm của nhà nhập khẩu trong việc bảo hành, bảo dưỡng, triệu hồi sản phẩm, thu hồi sản phẩm thải bỏ.

Tiếp theo là hạn chế các hành vi gian lận thương mại, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư dài hạn, tạo sản lượng đủ lớn tiến đến tăng tỉ lệ nội địa hóa phù hợp với chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô.

Thế nhưng, một số quy định của dự thảo Nghị định chưa thể hiện được tinh thần trên. Điển hình như về cơ sở bảo hành bảo dưỡng ôtô, thì số lượng cơ sở bảo hành bảo dưỡng chỉ yêu cầu 1 cơ sở (điểm a, khoản 1, Điều 21) là chưa đủ đảm bảo quyền lợi cho khách hàng. Nghị định chưa có quy định về hợp đồng hỗ trợ kỹ thuật bao gồm đào tạo kỹ thuật, cung cấp thông tin kỹ thuật, hướng dẫn sửa chữa, thiết bị chẩn đoán, thiết bị sửa chữa.

Cả nước chỉ có 1 cơ sở  bảo hành bảo dưỡng thì làm sao đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, cho nên phải bổ sung quy định khoảng cách giữa các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng so với địa điểm phân phối phải đảm bảo tối đa không quá 100 km. Cơ sở bảo hành, bảo dưỡng phải thuộc sở hữu của doanh nghiệp hoặc thuộc hệ thống đại lý phân phối được ủy quyền bởi doanh nghiệp, phù hợp với chủng loại ôtô sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Nghị định.

Trên thế giới, triệu hồi xe bị lỗi là vấn đề rất được chú trọng, cho nên chủ thể triệu hồi phải  là cơ quan quản lý của nhà nước sở tại. Ngoài ra, chỉ có nhà sản xuất mới biết chính xác các lỗi, hỏng hóc mang tính hệ thống và phát sinh trong quá trình thiết kế, sản xuất sản phẩm. Như vậy, triệu hồi xe cần phải được cam kết của nhà sản xuất, nhưng theo dự thảo Nghị định, nhà nhập khẩu chỉ cần cam kết với Bộ Công thương (điểm ba, khoản 1, Điều 21) là không chặt chẽ.

Để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, Nghị định phải bổ sung: Có cam kết hoặc giấy xác nhận của nhà sản xuất ôtô nhập khẩu, phải có trách nhiệm triệu hồi trong trường hợp ôtô nhập khẩu bị lỗi kỹ thuật; cam kết của nhà sản xuất về hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình bảo hành, bảo dưỡng và cung cấp các linh kiện, phụ tùng thay thế đúng yêu cầu chất lượng của xe nhập khẩu

Đừng dễ dãi với nhà sản xuất để người tiêu dùng thiệt thòi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn