MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phối cảnh đường đi bộ dọc sông sông Hương lát bằng gỗ lim. Ảnh: Ban quản lý dự án/ Zing.

Đường đi bộ lát gỗ lim - Một dự án "khác người"

Tường Minh LDO | 28/02/2018 12:01
Cuối cùng, tỉnh Thừa Thiên –Huế cũng triển khai thi công tuyến đường đi bộ dọc nam sông Hương bằng cách lát gỗ lim dù có rất nhiều ý kiến phản đối của các chuyên gia, nhà khoa học và người dân.

Tuyến đường đi bộ này dài 380m, kết nối phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, đoạn từ cầu Trường Tiền đến công viên Lý Tự Trọng. Để làm tuyến đường này, lực lượng thi công đóng cọc bê tông xuống sông Hương sau đó đổ dầm bê tông, phía trên được lát sàn bằng gỗ lim rộng 4m, có hệ thống lan can bảo vệ.

Mục tiêu của dự án là nhằm kết nối giao thông xuyên suốt từ đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu đến công viên Lý Tự Trọng và tạo điểm nhấn nhìn sang bờ Bắc sông Hương, qua đó tạo sức hút đối với du khách đến Huế.

Theo dự toán được công bố, công trình có tổng kinh phí đầu tư 64 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là hơn 53 tỷ đồng, còn lại là kinh phí dự phòng. Việc thi công sàn gỗ sẽ tốn khoảng 2.438m2 gỗ lim, chi phí 5,14 tỷ đồng.

Đáng nói, từ lúc còn là chủ trương cho đến khi được triển khai trên thực tế, tuyến đường đi bộ lát gỗ lim này khiến nhiều chuyên gia lo ngại về tính bền vững.

Các ý kiến phản đối đều thống nhất việc lát gỗ lim cho tuyến đường này thì gỗ sẽ nhanh hỏng và gây lãng phí lớn. Bởi ngoài đặc thù mưa nắng khắc nghiệt, Huế còn hay bị lũ lụt nên sẽ khiến gỗ lim rất nhanh bị oải mục. Trong khi đó, chi phí thay thế, sửa chữa khi gỗ lim hư hỏng là không nhỏ.

Đường đi bộ trên sông Hương bằng gỗ lim đang được thi công. Ảnh: H.V.M

Để công trình không nhanh bị hư hỏng, nhiều chuyên gia đề xuất nên lát mặt đường bằng đá giả gỗ. Đá giả gỗ hiện nay được sử dụng rất nhiều. Lát đường bằng vật liệu này nhìn rất giống lát gỗ và có tuổi thọ cao trong khi phí rất rẻ, dễ vệ sinh. 

Đường đi bộ trên sông lát gỗ là phương án thân thiện với môi trường nhưng để hoàn thành nói thì… môi trường bị tàn phá cũng không ít vì cần một lượng gỗ rất lớn.

Mặt khác, đây là công trình nếu hoàn thành sẽ là thêm một “vẻ đẹp Huế chẳng nơi nào có được”. Và tất nhiên, sự lãng phí theo như nhận định của các chuyên gia cũng không nơi nào có được!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn