MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà hát Lớn Hà Nội (nguồn: hanoioperahouse.org.vn - tác giả: Vũ Long).

Giá vé tham quan Nhà hát Lớn “chặn cửa” dân nghèo

Thế Lâm LDO | 13/09/2017 07:00
Nhà hát Lớn Hà Nội đã mở cửa đón khách tham quan trở lại từ ngày 6.9.2017. Nhưng, với mức giá vé 400.000 đồng/lượt thì người nghèo hết cửa tham quan di tích ngay chính đất nước mình.

Nhiều phản hồi trên các trang báo mạng và diễn đàn so sánh rằng, với mức giá trên (tương đương 18USD) ngang với giá vé tham quan bảo tàng nổi tiếng thế giới Louvre hay tầng thượng tháp Eiffel của Pháp. Còn so với giá vé tham quan Cung điện Hoàng gia Thái thì đắt hơn và cao hơn cả giá vé tham quan khu du lịch Little World ở Nagoya (Nhật Bản) nổi tiếng đa sắc màu…

Cho dù Ban quản lí Nhà hát Lớn Hà Nội cho biết sẽ thử nghiệm mức giá vé và khung giờ đón khách tham quan trong hai tháng (9 - 11.2017), song cũng đã cho thấy sự bất ổn trong việc tính toán và cơ cấu giá vé tham quan.

Giá vé trọn gói trên bao gồm chi phí tham quan và chi phí xem show diễn. Vậy với những khách chỉ muốn tham quan thôi thì sao? Vì sao không cơ cấu nhiều mức giá vé, như vé tham quan thuần túy và giá vé trọn gói vừa tham quan vừa xem show diễn?

Và khi ấy, giá vé dành cho hạng mục chỉ tham quan nhà hát là bao nhiêu thì cũng cần cân nhắc ở mức hợp lí chứ không thể ở mức… trên trời được.

Với mức giá trên, chưa chắc du khách nước ngoài cảm thấy được thuyết phục. Mặt khác, với khách nội địa, giá vé quá cao khiến người Việt Nam có thu nhập thấp, người nghèo không còn cơ hội được tham quan một di tích lịch sử văn hóa của đất nước mình. Trường hợp sinh viên học sinh được giảm 50% giá vé, nghĩa là còn 200.000 đồng/lượt. Với mức giá này, chắc gì thu hút được giới trẻ, cụ thể là sinh viên học sinh đến tham quan, xem show diễn tại Nhà hát Lớn.

Ở một số quốc gia mà cụ thể là Campuchia, Myanmar, nhiều di tích nổi tiếng miễn phí vé vào cửa cho dân bản xứ, hoặc có chính sách giá vé rất ưu đãi. Chính sách đó có mục đích rất rõ ràng: Để người dân có cơ hội tiếp cận tìm hiểu các giá trị văn hóa lịch sử của đất nước, của dân tộc một cách thuận tiện nhất.

Các di tích hay giá trị văn hóa, lịch sử muốn “sống” được thì trước hết phải thấm được vào lòng vào hồn của người dân. Người dân hiểu và yêu thì mới có tinh thần bảo vệ, giữ gìn và phát huy cao nhất. Thậm chí, nhiều di tích ở Campuchia, Myanmar mang tính tâm linh, người dân có thể hằng ngày vào cầu khấn, cúng bái mà không phải tốn phí.

Thu phí để tạo nguồn ngân sách chi cho bộ máy quản lí, điều hành và để tôn tạo di tích là điều cần phải làm, nhưng cũng cần tính toán ở mức hợp lí. Mức phí cao mà ngay cả các Cty lữ hành còn “chê” đắt, thì không chỉ dân nghèo Việt Nam hết cửa vào tham quan, mà cả những người có thu nhập khá cũng chưa chắc chịu bỏ ra đến 400.000 đồng để vào Nhà hát Lớn tham quan và xem show diễn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn