MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh: Lao Động

“Giải cứu” nông sản? Không, nên “giải cứu” nông dân!

Thảo Anh LDO | 07/04/2017 14:00
Nghịch lý “được mùa mất giá” vẫn đang đè nặng đôi vai nông dân Việt Nam. Chỉ trong 3 tháng đầu năm nay đã phải giải cứu nông sản hai lần, trong đó có chuối ở Đồng Nai và dưa hấu ở Quảng Ngãi. Rồi từ đó điệp khúc nông dân “khóc ròng” chờ “hiệp sĩ cộng đồng” giải cứu lại tái diễn.

Không thể phủ nhận rằng những cuộc giải cứu nông sản cho thấy dấu hiệu đáng mừng về tinh thần tương trợ của người Việt song cần phải nghiêm túc nhìn nhận lại có thể chúng ta đang giúp kinh tế tạm thời mà “hại tư duy” lâu dài của nhà nông.

Một thực trạng đang diễn ra và sắp sửa thành tiền lệ: Thấy năm trước giá cao thì năm sau đổ xô ồ ạt trồng. Song đến lúc thu hoạch thì thị trường tiêu thụ chủ yếu là Trung Quốc đóng cửa khiến người nông dân thiệt hại nặng nề, nông nghiệp lại được một phen khốn đốn. Rõ ràng người nông dân đang hoàn toàn thụ động trong việc tiêu thụ nông sản. Vô tình họ rơi vào những cái “bẫy kinh tế” được giăng sẵn. Nhưng nguyên nhân sâu xa cũng bởi người nông dân còn tham lợi trước mắt.

Thực tế vào năm 2015, nông sản cũng rớt giá thê thảm và được cộng đồng cứu trợ song người nông dân thay vì nghiên cứu kĩ thị trường “thua keo này ta bày keo khác” thì lại tiếp tục “làm liều” khiến điệp khúc nông sản được mùa bị thương lái ép giá, nông dân tiếp tục “kêu cứu”. Cứ thế một vòng luẩn quẩn không biết bao giờ mới dứt. Tư duy tiểu nông với lối suy nghĩ “được ăn cả ngã về không” và lòng tốt của “hiệp sĩ cộng đồng” đang vô tình tạo ra sự chây lười và ỷ lại của một nền nông nghiệp.

Để tránh tình trạng “đâm lao phải theo lao” của nông dân Việt thì cần phải tìm ra lộ trình bền vững cho nông nghiệp. Xét cho cùng việc cộng đồng tình nguyện vào cuộc giải cứu nông sản chỉ là một giải pháp tình huống tạm thời. Không thể mỗi khi nông sản mất giá thì lại vào “giải cứu”.

Vì thế cần một giải pháp bài bản, khoa học, mang tính tầm nhìn. Đầu tiên là nghiên cứu về những loại nông sản mang lại giá trị kinh tế bền vững. Chúng ta cũng có thể chú trọng vào tìm hiểu những mô hình kinh tế thành công để nhân rộng. Sau đó là đối với vấn đề thị trường tiêu thụ nông sản. Chúng ta đang quá lệ thuộc vào thị trường xuất khẩu trong khi đó bằng chứng cho thấy trong hai cuộc giải cứu vừa rồi nông sản tiêu thụ rất nhanh trong thị trường nội địa nếu như có kế hoạch hợp lí và khoa học.

Việc tìm đầu ra, tổ chức các kênh phân phối và lưu thông nông sản đang là thách thức lớn và là nhiệm vụ thiết yếu nhất. Thay vì loay hoay tìm cách giải cứu từng vụ dưa, mùa chuối… thì tìm kiếm một giải pháp dài hơi mới là thượng sách để nông nghiệp không tiếp tục rơi vào "bi kịch".

 

 

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn