MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nữ sinh khóc, kể về câu chuyện của lớp mình và giáo viên dạy Toán. Ảnh: Minh Nhật.

Giáo viên quyền lực lên lớp không giảng bài: Lúng túng trong xử lý giáo viên “cá biệt”

QUANG ĐẠI LDO | 29/03/2018 11:00
Sự việc “cô giáo quyền lực” ở TPHCM không giảng bài trong suốt nhiều tháng liền đã được Ban giám hiệu Trường THPT Long Thới (Nhà Bè) xác nhận. Lại thêm một “kỷ lục” quá buồn cho ngành giáo dục.

Ngày 28.3, ông Bùi Minh Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Long Thới xác nhận với báo chí: Phản ánh của em Phạm Song Toàn là chính xác, tình trạng cô C. lên lớp 11A1 không trò chuyện với học sinh, chỉ ghi bài giảng lên bảng diễn ra từ cuối tháng 11.2017 đến nay.

Ông Hiệu trưởng cho biết, sẽ họp để kỷ luật cô C - giáo viên "quyền lực" không giảng bài trong nhiều tháng nói trên. Tuy nhiên, việc kỷ luật đã quá muộn màng, và có thể chính hiệu trưởng cũng phải nhận án kỷ luật vì đã buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm, để xảy ra vụ việc quá nghiêm trọng.

Hành động của cô C là lạm quyền, coi thường học sinh, bất chấp nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp. Với thời gian “im lặng” kỷ lục (gần một học kỳ) như trên, thiết nghĩ cần phải kỷ luật cô C bằng hình thức chấm dứt hợp đồng, buộc thôi việc. Để những người như cô C trong ngành, không ai khác, các thế hệ học sinh sẽ trở thành “nạn nhân” của người có tính khí bất thường và thất thường.

Từ vụ việc cô C, ngành giáo dục cần rà soát, có giải pháp xử lý đối với những GV “cá biệt”.

Bên cạnh những nhà giáo giỏi giang, tâm huyết, trong ngành giáo dục vẫn tồn tại không ít những GV “cá biệt”.

Đó là những người quá yếu kém về chuyên môn, như dạy Toán mà không giải được các bài tập thông thường, dạy Văn mà không viết nổi một cái đơn, dạy tiếng Anh nhưng không nghe được người nước ngoài nói chuyện, không có phương pháp sư phạm, kiến thức lạc hậu…

Bên cạnh đó là những GV “có vấn đề” về đạo đức nghề nghiệp như thường xuyên chửi bới, xúc phạm, đánh đập học sinh, rượu chè bê tha, tham gia các hoạt động phạm pháp, nghiện hút…

Vì sao những GV như trên vẫn tồn tại? Do tâm lý nể nang, ngại đụng chạm của đồng nghiệp, ban giám hiệu, nghĩ đuổi việc thì thương tình…. Tuy nhiên, chủ yếu vẫn là quan niệm “cha chung không ai khóc”, GV kém thì học sinh chịu, chứ bản thân và nhà trường không mất gì.

Một số GV dựa vào quan hệ có người che chắn, hoặc dùng tiền bạc để lo lót… nên ung dung tồn tại, góp phần “phá” giáo dục và gây tổn hại cho học sinh.

Để đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, không thể để những GV “cá biệt” đứng trên bục giảng. Tuy nhiên, vì vướng những quan hệ chồng chéo, chủ nghĩa duy tình… nên việc xử lý khó khăn, lúng túng.

Cứ để "êm êm" như vậy thì thỉnh thoảng lại sẽ “bùng” ra một vụ như có GV kỳ cục đến mức gần suốt một học kỳ, vẫn cắp cặp lên lớp nhưng không mở miệng, không giao tiếp với học sinh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn