MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Văn bản của UBNB tỉnh Hà Tĩnh về việc tham mưu dừng quyết định 77/2014 vì có nội dung trái pháp luật. Ảnh: CM

Hàng nghìn người đã bị kỷ luật vì sinh con thứ 3 cần một lời xin lỗi

ĐĂNG TRUNG LDO | 22/10/2017 15:30
Từ những văn bản có nội dung trái pháp luật của Hà Tĩnh, Nghệ An và một số địa phương khác, hàng nghìn cán bộ, viên chức vi phạm chính sách dân số, đã bị kỷ luật. Những người này, đang chờ lời xin lỗi, sau những oan ức mà họ gánh chịu.

Cùng với Hà Tĩnh, Nghệ An là địa phương cũng bị Bộ Tư pháp ‘tuýt còi” vì Quyết định 43/2015/QĐ-UBND ngày 21.8.2015 “Quy định một số chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn tỉnh Nghệ An”, có một số nội dung trái pháp luật.

Nguồn tin từ UBND tỉnh Nghệ An xác nhận thông tin nói trên, và cho biết đã giao Sở Tư pháp tham mưu xử lý. Đại diện Sở Tư pháp Nghệ An cho biết Quyết định 43 nói trên có 4 nội dung trái luật, như xử lý kỷ luật người sinh con thứ 3, cam kết nộp tiền “phạt”… và đã có văn bản gửi UBND tỉnh đề nghị bãi bỏ Quyết định 43, nhưng chưa có phản hồi.

Trước câu hỏi “Những người đã bị kỷ luật bởi Quyết định 43 giờ xử lý như thế nào” - ông Lê Đức Cường, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Nghệ An, nói: “Để các cơ quan tham mưu lên đã, rồi sẽ thông tin lại sau”.

Tại Hà Tĩnh, từ Quyết định 77/2014, đã có hơn 1.000 cán bộ, viên chức bị kỷ luật bằng những hình thức khác nhau, do “vi phạm chính sách dân số”. Nay, Bộ Tư pháp xác định văn bản nói trên có những nội dung trái luật, có nghĩa những người nói trên đã bị kỷ luật oan, sai. Vậy cần phục hồi cho họ như thế nào.

Tại Nghệ An, chưa có thống kê cụ thể, nhưng con số cán bộ, viên chức bị xử lý vì sinh con thứ 3, cũng không nhỏ.

Một số đại diện cơ quan chức năng Hà Tĩnh cho rằng: Những người đã bị kỷ luật phải chấp nhận, và kỷ luật để làm gương cho người khác. Đây là cách trả lời chống chế, né tránh trách nhiệm, vì tất cả các mối quan hệ xã hội phải tuân thủ pháp luật, mọi hành vi trái luật đều phải xử lý. Không thể nhân danh bất cứ điều gì, để làm trái pháp luật.

Theo quy định, những người đã bị xử lý từ những văn bản trái luật, phải được phục hồi quyền lợi, bồi thường, xin lỗi, còn những người đã tham mưu, ký ban hành văn trái trái luật phải bị xử lý.

Điều 7, Nghị định 40/2010 ngày 12.4.2010 “Về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật” nêu rõ: “Tùy theo tính chất và mức độ vi phạm của văn bản trái pháp luật, cơ quan, người đã ban hành văn bản trái pháp luật phải chịu trách nhiệm kỷ luật, trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”.

Chờ đợi án kỷ luật dành cho những người đã ban hành văn bản trái pháp luật, chưa biết đến bao giờ. Lúc này, hàng ngàn người đã bị kỷ luật oan sai, cần một lời xin lỗi chân thành, từ phía đại diện chính quyền các địa phương.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn