MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tin nhắn mời gọi đi taxi này được gởi tới hành khách ngay trước chuyến bay từ TPHCM đi Hà Nội (ảnh: PK).

Hành khách đang trở thành… “miếng mồi béo bở”

Thế Lâm LDO | 04/10/2017 11:00
Chuyện mua bán thông tin cá nhân như tên tuổi, số CMND, số điện thoại, email… không phải là mới. Nhưng tình trạng mua bán thông tin hành trình chuyến bay nội địa, thì mới chỉ rộ lên từ khoảng tháng 8.2017 trở lại đây.

Những thông tin hành trình các chuyến bay nội địa chủ yếu được hé lộ qua các tin nhắn mời gọi đặt xe từ sân bay Nội Bài về Hà Nội, hoặc mời đặt xe từ Hà Nội đi quãng đường xa cho cả gia đình, người thân thăm thú, vãn cảnh…

Hành khách khi ấy cảm thấy bực bội chỉ là cảm giác ban đầu. Cái tâm trạng đến sau, chuyển sang nặng nề, lo lắng đeo đẳng chính là có ai đó đang theo dõi mình, mình đi đâu cũng có người biết và bám riết, gây bất an. Đặt câu hỏi ngược lại với những kẻ đang mang thông tin hành trình chuyến bay của hành khách đi bán kia, nếu họ cũng bị rơi vào tình trạng trở thành “miếng mồi béo bở” như vậy, họ có cảm thấy khó chịu và bất an hay không?

Trên thực tế, thông tin cá nhân hành khách và thông tin hành trình của hành khách đi qua một qui trình kết nối với nhà cung cấp dịch vụ từ hãng hàng không đến cụm cảng, các đại lí bán vé… Ở mỗi khâu, đều ẩn chứa nguy cơ lộ lọt thông tin. Hôm nay, các phòng vé, đại lí vé máy bay có thể rò rỉ thông tin hành trình của hành khách cho các hãng taxi nhằm trục lợi. Thì ngày mai, họ cũng có thể mang các thông tin này đi bán cho các hệ thống khách sạn, nhà hàng, quán bar, khu vui chơi giải trí… để rồi cùng nhau “xẻ thịt” hành khách trên từng hóa đơn chi phí ở, ăn uống, vui chơi.

Biết hành khách sắp đi Hà Nội để gửi tin nhắn (ảnh:PK). 

Từ thông tin không chỉ có thể kiếm được tiền và trục được lợi. Đáng lo lắng hơn là thông tin hành trình gắn với quyền tự do riêng tư và sự an toàn của hành khách. Hành trình của bất cứ ai, đi đâu đến đâu và ở đâu, nếu rơi vào tay kẻ xấu, có thể không chỉ nhằm trục lợi mà nhiều khi còn phục vụ cho dã tâm.

Chúng ta còn nhớ, dạo tháng 7.2016, khi website của  của một hãng hàng không lớn của Việt Nam bị tin tặc xâm nhập, một trong những mục tiêu của chúng là nhắm tới hệ thống dữ liệu với hơn 400.000 khách hàng là thành viên. Vấn đề bảo mật thông tin khách hàng lâu nay được cảnh báo chủ yếu tập trung vào thông tin cá nhân như đề cập ở trên.

Tuy nhiên đối với thông tin hành trình, hầu như có ý thức cho đó là loại thông tin có thể chia sẻ cho nhau nhằm hỗ trợ trong làm ăn kinh doanh. Nhưng bây giờ, khi thông tin hành trình của hành khách đã như “cá nằm trên thớt”, thì những cảnh báo về bảo mật thông tin phải được mở rộng vòng bảo vệ hơn mới được.

Đường dây chia sẻ thông tin hành trình để cùng chia chác lợi nhuận kiếm được mới chỉ ở giai đoạn đầu nhưng đã khiến hành khách lo lắng. Bởi những biến tướng của nó, có thể sẽ còn phức tạp hơn rất nhiều trong tương lai. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn