MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bphone 2017 đã và đang tiếp tục bị "ném đá" (ảnh: PK).

Hãy cho thương hiệu công nghệ Việt một cơ hội!

Thế Lâm LDO | 05/09/2017 07:00
Tôi không nói là hãy cho thương hiệu công nghệ Việt một cơ hội ở khía cạnh xuê xoa về chất lượng. Với yếu tố này thì không, tuyệt đối không. Tuyệt đối không chấp nhập kiểu khẩu hiệu sáo mòn “người Việt dùng hàng Việt” bất chấp chất lượng ra sao.

Nhưng chúng ta hãy cho thương hiệu công nghệ Việt một cơ hội được đón nhận, được đối xử công bằng trên thị trường như đối với bao thương hiệu khác, được nâng lên đặt xuống xem xét, trải nghiệm và đi đến quyết định lựa chọn mua sắm hay không mà không bị tâm lí sùng bái hàng ngoại, chỉ có hàng ngoại là số 1 chi phối.

Sau trường hợp ôtô Việt - Vinaxuki thất bại, thì smartphone Việt – Bphone đã vượt qua nốt trầm đến mức trầm cảm nặng của vị CEO trong quãng thời gian sau khi ra mắt Bphone đời đầu vào năm 2015, để rồi vừa mới đây đã ra mắt Bphone thế hệ thứ hai còn được gọi là Bphone 2017 với sự cải tiến gần như toàn diện. Và bây giờ, VinFast của VinGroup, lại nuôi khát vọng và tham vọng làm ôtô Việt.

Nếu xét ở bình diện Đông Nam Á, về công nghiệp ôtô, chúng ta chỉ mới nghe nói tới Malaysia với thương hiệu ôtô nội địa Proton. Và khát vọng một “Proton Việt Nam” giờ đang được VinGroup thắp lên. Còn về công nghiệp điện thoại, thì hầu như chưa có quốc gia nào trong khu vực sản xuất smartphone nội địa như Bphone của Bkav.

Khởi công xây dựng tổ hợp sản xuất ôtô của tập đoàn VinGroup (ảnh: Zing.vn).

Điểm sơ qua để thấy những gì chúng ta làm được và chưa làm được so với mặt bằng khu vực ASEAN. Song, ngay cả những gì chúng ta làm được, nếu so với mặt bằng ngoài khu vực ASEAN, còn là một khoảng cách mênh mông. Mang Bphone của Bkav so với Apple, Samsung, LG, Sony, HTC hay thậm chí là các thương hiệu Trung Quốc như Huawei, OPPO, Vivo, Xiaomi… thì còn khoảng cách quá xa, và câu chuyện thua sút sẽ rất dài, nói mãi khó có điểm dừng.

Chiếc ôtô Việt của Vinaxuki ngày trước thất bại vì nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính là sự hoàn thiện còn có nhiều vấn đề.

Bphone đời đầu thất bại, cũng có cùng những nguyên nhân tương tự như ôtô Việt của Vinaxuki. Nhưng điểm khác biệt của Bkav là đã đứng lên sau thất bại, chí ít là về mặt tinh thần cũng như khả năng thu xếp vốn đầu tư. Nhờ đó, Bphone 2017 đã vá được rất nhiều lỗi của Bphone đời đầu, thiết kế kiểu dáng đi theo hướng an toàn phổ cập hơn.

Thế nhưng, tại sao Bphone 2017 vẫn bị “ném đá”? Bị “ném đá” vì giá quá cao, đã đành. Song còn bị chế giễu, ngay từ một từ ngữ, câu nói… Gần đây, khi nói về thách thức lớn nhất đối với Bphone, CEO của Bkav cho rằng, đó là niềm tin người tiêu dùng Việt Nam.

Người tiêu dùng thiếu niềm tin không phải lỗi hoàn toàn thuộc về họ mà từ nhiều phía, trong đó có phần quan trọng từ nền sản xuất. Dân Thái Lan, dân Malaysia, dân Hàn Quốc và thậm chí dân Trung Quốc…, họ tin vào sản phẩm công nghệ nội địa nhiều hơn so với dân Việt Nam, ừ thì lại cho rằng vì nội lực trong nền sản xuất của họ mạnh hơn. Nhưng đó là nói chung.

Vậy đối với từng trường hợp, như Bphone (hay sắp tới là VinFast), đã chứng minh được nội lực có thể sản xuất được smartphone ở mức chấp nhận được về chất lượng thì sao? Giá…, một sự thuận mua vừa bán, nhưng tại sao ngoài vấn đề giá ra vẫn tiếp tục nhiều kì câu chuyện chê bai không mặt này thì mặt khác, thậm chí phải kiếm ra chuyện để chê bai…

Tin hay không là quyền của mỗi người. Không có niềm tin của dư luận, doanh nghiệp sản xuất vẫn có thể tiếp tục bền bỉ với con đường và khát vọng của họ. Nhưng từ không có niềm tin mà quay sang đả phá, làm lan truyền cái nhìn méo mó về khát vọng và cảm hứng sáng tạo của người khác, tổ chức khác, thì vấn đề đã bước sang phạm trù đạo đức, thậm chí là sự phá hoại – bằng dư luận.

Vâng, hãy cho thương hiệu công nghệ Việt một cơ hội dù không có niềm tin, không mua không dùng, thì cũng đừng phá hoại khát vọng của họ bằng những sự “ném đá” trong dư luận.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn