MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Số heo bị tiêm thuốc nằm la liệt tại trại. Ảnh: Sơn Hòa.

Heo bị bơm thuốc mê hay sự “mê ngủ” tại những lò mổ…

Thế Lâm LDO | 01/10/2017 18:30
Gần 4.000 con heo được đưa vào lò mổ Xuyên Á tại Củ Chi lớn nhất TPHCM bị bơm thuốc an thần (còn gọi nôm na là thuốc mê, thuốc ngủ) mà không bị phát hiện. Có ai tin rằng vụ việc này chỉ là lần đầu không?

Không. Không thể tin nổi…

Làm sao tin được chiêu trò này là lần đầu khi số lượng heo bị tiêm thuốc ngủ lên đến gần 4.000 con?

Làm sao tin được chừng ấy con heo bị bơm thuốc ngủ mà có thể qua được những vòng kiểm soát từ cán bộ thú y đến nhân viên lò mổ đầy sành sỏi về nghề?

Làm sao tin được cả gần 4.000 con heo sau khi bị tiêm thuốc, nằm la liệt, bất động hàng loạt, mà ngay cả mắt của những người bình thường nhất cũng thấy bất thường, song những người trong nghề khi chứng kiến tình trạng “heo ngủ bầy đàn” kia là bình thường?

17 cán bộ đã phải viết giải trình vì để lọt gần 4.000 con heo bị tiêm thuốc ngủ vào lò mổ nhưng theo chúng tôi, đó mới chỉ là bước đầu của qui trình xử lí. Bởi chúng ta khó có thể chấp nhận nguyên nhân để xảy ra vụ việc này chỉ do nhân viên trạm thú y “yếu kém”, còn thương lái thì “có nhiều thủ đoạn tinh vi”, mà không thể không nghi ngờ rằng – như lời ông Huỳnh Tấn Phát - Phó Chi cục Thú y TPHCM, là “hơn một tháng cảnh sát mật phục theo dõi có thể đã phát hiện nhân viên thú y tiếp tay, nhận tiền để bỏ qua sai phạm”.

Cách đây nhiều năm, dư luận heo bị bơm thuốc mê chỉ mới là tin đồn vì chưa có vụ việc nào được phát hiện. Dư luận cho rằng heo được tiêm thuốc ngủ sau khi cho ăn cám trộn cát, hay bơm nước để tăng trọng nhằm trục lợi. Việc tiêm thuốc, nếu từ gốc người nuôi thì không dễ gì qua được mặt thương lái. Hoặc nếu có qua mặt được một lần thì cũng không thể qua mặt được nhiều lần.

Cũng theo logic đó, thương lái có qua mặt được cán bộ thú y, nhân viên lò mổ thì cũng chỉ có thể qua mặt được một lần chứ không nhiều lần. Vả lại, nếu bị qua mặt nhưng sau đó phát hiện và có nghi ngờ, cán bộ thú y và nhân viên lò mổ hoàn toàn có thể báo cáo cơ quan chức năng tiến hành tìm hiểu, điều tra làm rõ vấn đề.

Còn đằng này, phải chờ đến những nguồn tin khác báo cáo để các cơ quan chức năng khác vào cuộc, thì cũng có nghĩa là cán bộ thú y địa phương và nhân viên lò mổ đang “mê ngủ”, mê ngủ vì “yếu kém” hay vì “tiếp tay, nhận tiền”, chắc chắn phải được làm rõ. Cả những thương lái bất nhân và những kẻ “mê ngủ”, không chỉ bị xử lí hành chính là đủ, mà cần xử lí mạnh hơn, loại khỏi ngành nghề, thậm chí xử lí hình sự nếu đúng khung vi phạm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn