MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiện trường vụ 5 hiệp sĩ bắt cướp, 2 người bị đâm tử vong

"Hiệp sĩ" bắt cướp: Khoảng trống giữa pháp lý và thực tế

QUANG ĐẠI LDO | 27/05/2018 09:15
Sau vụ 2 "hiệp sĩ" ở TPHCM bắt cướp bị đâm tử vong, dư luận dấy lên cuộc tranh luận về việc có nên khuyến khích mô hình này.

Về nguyên tắc pháp chế, việc bắt cướp, trấn áp tội phạm là của cơ quan chức năng, chủ yếu là của ngành công an. Việc người dân tham gia bắt cướp tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm và không loại trừ cả hiện tượng lạm quyền, vi phạm pháp luật từ chính những hiệp sĩ.

Người dân đã đóng thuế, cơ quan chức năng được trả lương, có trách nhiệm phòng chống tội phạm, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản cho mọi người.

Lực lượng phòng chống tội phạm đòi hỏi phải có những phẩm chất đặc thù, được đào tạo bài bản, tinh thông nghiệp vụ, am hiểu pháp luật, được trang bị phương tiện, vũ khí, có phương án tác chiến, phối hợp lực lượng.

Còn người dân, vốn không được đào tạo, huấn luyện, không có trang bị phương tiện, không được trả lương... nên việc họ tham gia trấn áp tội phạm là không phù hợp, không nên khuyến khích.

Tuy nhiên, giữa cơ sở pháp chế có tính chất lý thuyết và thực tiễn bao giờ cũng có khoảng cách, nhiều khi không nhỏ. Thực tế là lực lượng phòng chống tội phạm không thể có mặt ở mọi lúc, mọi nơi, ứng phó kịp thời tất cả mọi tình huống, đặc biệt ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, hoặc vùng có mật độ dân số cao như Hà Nội, TPHCM...

Tại một số địa phương, hình thành các ổ nhóm, đường dây, băng đảng tội phạm có số lượng lớn thành viên, được tổ chức bài bản, trang bị vũ khí thô sơ, thậm chí cả vũ khí nóng.

Từ truyền thống nghĩa hiệp, ý thức trách nhiệm với cộng đồng, nhiều năm qua, tại một số địa phương đã hình thành các nhóm hiệp sĩ tự nguyện trấn áp tội phạm, bắt trộm cướp. Hoạt động của những hiệp sĩ này đã góp phần làm giảm tỉ lệ tội phạm, bảo vệ bình yên cho người dân và san sẻ gánh nặng cho cơ quan công an.

Đây là một công việc có độ nguy hiểm, rủi ro rất cao. Họ chỉ có một chỗ dựa duy nhất về mặt pháp lý là mọi người đều có quyền bắt giữ người phạm tội quả tang. Sâu xa hơn, họ có niềm tin vào chính nghĩa và sự ủng hộ của cộng đồng.

Sau khi Sở GDĐT TPHCM có công văn đề nghị các cơ sở giáo dục tuyên truyền về tinh thần dũng cảm của 5 hiệp sĩ, đã dấy lên nghi ngại về việc khuyến khích học sinh tham gia bắt cướp. Tuy nhiên, nghi ngại nói trên là không có cơ sở bởi vì chỉ có một số rất ít người đủ bản lĩnh, đủ dũng khí và đức hi sinh mới tự nguyện bắt cướp.

Điều đáng trân trọng ở những người này là tinh thần nghĩa hiệp, dám xả thân vì cộng đồng. Xã hội này trở nên tốt đẹp vì có những người hiến cả gia tài làm từ thiện, xả thân bắt cướp hoặc hiến tạng để cứu sống nhiều người khác.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn