MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh: ST

Học sinh “tố” giám thị gian lận trong thi cử: “Tức nước vỡ bờ“?

Thảo Anh LDO | 17/03/2017 11:12
Một học sinh trường Phan Bội Châu (TP.Vinh - Nghệ An) bức xúc vì sự gian lận trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh nên đã lên mạng xã hội viết bức thư dài “kể tội” giám thị và “dạy” lại cô giáo về lối sống trung thực đang gây xôn xao dư luận. Âu cũng do “tức nước vỡ bờ”?
Chỉ trong vòng hơn một tháng qua, hàng loạt sự việc xảy ra trong môi trường giáo dục các cấp khiến dư luận “bội thực gian dối”.

Gần đây, tiếp xúc báo chí, PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT - cho rằng: Phẩm chất, đạo đức của giáo viên ngày nay nói chung so với những giáo viên ngày xưa đang có sự giảm sút. Hình ảnh người thầy chính là một tấm gương sáng với học sinh, học sinh luôn nhìn vào hành vi, lời nói, nhân phẩm của người thầy để học hỏi. Thì hiện nay, không phải tất cả nhưng có một bộ phận không nhỏ các thầy cô giáo bị xuống cấp, bị thoái hoá đạo đức. [*]

Từ sự việc thầy trò “đánh nhau” ngay trong lớp học trước sự chứng kiến của bao nhiêu học sinh tại một trường phổ thông ở Hậu Giang cho đến việc cô giáo “dạy dỗ” trẻ bằng dép và đầu gối ở trường mầm non Sen Vàng (Hà Nội), hay sự dối trá đến mức trơ trẽn, đáng xấu hổ của nguyên Hiệu trưởng Trường Nam Trung Yên (Hà Nội), chừng ấy thôi đã làm bộ mặt giáo dục được một phen khốn đốn ra trò. Thế nhưng mới đây dư luận lại thêm một lần dậy sóng khi một học sinh “tố” giám thị gian lận trong thi cử.

Cụ thể, vào ngày 14.3, sau ngày đầu tiên trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh Nghệ An vừa kết thúc, trên mạng xã hội facebook của một học sinh có tên là Lê Phương Anh xuất hiện một “tâm thư” gửi tới cô giám thị bày tỏ sự bức xúc có đoạn: “Cái này cũng được quy thành “ăn cắp chất xám” đấy cô ạ. Ai mà dễ chịu cho được khi bài làm của mình vắt óc suy nghĩ bị một giáo viên GIÁM THỊ copy lại toàn bộ để đưa cho người khác chép. Thành tích cao thì thích thật, nhưng mà cao kiểu rởm rởm thế này thì ai tôn trọng cho được ạ?…

Tuổi đời của em không đủ tư cách để nói với cô cái gì nên hay không nên, nhưng em nghĩ cái sai rành rành có lẽ vẫn phải nói thẳng ra chứ cô nhỉ? Nội quy thi cử, nếu học sinh có hành động gian lận lập tức bị đình chỉ thi, nhưng giáo viên ngang nhiên gian lận thế này mà cuối cùng chả bị gì, vẫn bình thản và coi như mình không làm gì sai? Em thật sự hy vọng Hội đồng thi sẽ có những hành động xử lý đúng đắn trường hợp này, bởi chúng em đang cảm thấy mình đang phải chịu sự bất công không đáng có. Thầy cô muốn dạy học sinh trước hết phải làm gương cho học sinh cái đã”.

Bức thư được viết với lời lẽ chừng mực song vô cùng sâu cay. Quả thực, ở trong thời đại mạng xã hội lên ngôi, sống trong một thế giới phẳng, sự lan truyền thông tin diễn ra nhanh chóng đến khó kiểm soát. Và sự việc trên cũng không ngoại lệ.

Chợt nhớ đến giai thoại những năm cuối đời Hậu Lê, tình hình triều chính rối ren, việc thi cử do đó mà trở nên hỗn loạn. Những vị khảo quan khi chấm bài có thể “ngửi hơi văn” để lấy đỗ hay trượt. Cụ thể hơn, với những người tài năng, tiếng tăm lẫy lừng thì các quan chấm thi đều ngầm bảo nhau, hễ thấy quyển thi nào có hơi văn giống người đó thì đều đánh hỏng, nhất quyết không cho đỗ.

Đến nay đã mấy trăm năm, lại có chuyện bi hài hơn, “ngửi hơi văn” để “từ thiện chất xám” khiến “cả làng đỗ Trạng nguyên”. Tiêu cực thời nào cũng có, song chúng ta đang kỳ vọng về một nền giáo dục trong sạch, việc làm của cô giáo này quả là đáng trách.

Tuy đã có quyết định đình chỉ hoạt động coi thi đối với giáo viên này song đó chỉ là việc làm khởi đầu. Những người đã “vẽ đường cho hươu chạy” có ý thức được rằng, họ đang làm suy đồi một nền giáo dục và hơn nữa làm suy đồi cả một thế hệ trẻ sẽ làm chủ đất nước mai này, không chỉ về kiến thức mà cả về nhân cách con người. Cần có những biện pháp toàn diện, nghiêm túc hơn nữa trong công tác thanh tra, kiểm tra. Sự việc giám thị tiếp tay gian lận trong thi cử có thể không chỉ có một trường hợp. Giờ đây, khi học sinh đã lên tiếng thì tại sao không bảo vệ quyền lợi chính đáng của các em?

Nhà giáo dục Usinxki từng nói: Nhân cách của người thầy là sức mạnh có ảnh hưởng to lớn đối với học sinh, sức mạnh đó không thể thay thế bằng bất kỳ cuốn sách giáo khoa nào, bất kỳ câu chuyện châm ngôn đạo đức, bất kỳ một hệ thống khen thưởng hay trách phạt nào khác.

-----------

[*]: http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/nha-giao-thieu-dao-duc-nhan-cach-nhung-giot-nuoc-tran-ly-643523.bld

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn