MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nữ thí sinh Phạm Thị Thu Thủy (ảnh: mạnh Tùng/Vnexpress.net).

Học từ những tấm gương hiếu học vượt qua cảnh ngộ và tuổi tác

Thế Lâm LDO | 25/06/2018 15:00
Kì thi THPT Quốc gia 2018 đang diễn ra nhưng một ngày trước, vào chiều 24.6, tại không ít cụm thi/điểm thi đã hé lộ những gương mặt thí sinh khiến dư luận không khỏi khâm phục.

Đó là cô gái bị teo chân Phạm Thị Thu Thủy tại điểm thi Trường THCS Colette (quận 3, TP.HCM). Thủy không có cha mẹ, ở trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi từ nhỏ cùng với nhiều trẻ khuyết tật khác. Đôi chân của Thủy bị dị tật bẩm sinh từ bé, co quắt, nhưng em vẫn bền bỉ học tập và đến điểm thi đăng kí đúng ngày giờ.

Thủy cho biết, nhờ vào việc sống, học tập cùng các bạn bị khuyết tật nên em đã thấu hiểu những thiếu thốn, khó khăn của những người đồng cảnh ngộ. Thủy đăng ký thi vào ngành Giáo dục đặc biệt thuộc Trường ĐH Sư phạm TP.HCM để trở thành cô giáo dạy cho trẻ khiếm thính và câm điếc trong tương lai.

Người khuyết tật nhưng không buông bỏ ước mơ, và ước mơ cũng rất giản dị là trở thành cô giáo dạy cho trẻ khuyết tật để có thể chia sẻ, giúp đỡ những người đồng cảnh ngộ. Ngành nghề gì cũng đáng quí và nếu nỗ lực đóng góp thì sẽ có ích cho xã hội và cộng đồng chứ không nhất thiết cứ phải là bác sĩ, kĩ sư hay trở thành doanh nhân.

Sự học, trước hết là cho bản thân nhằm trang bị kiến thức và chuyên môn. Cách đây chưa lâu là trường hợp cụ ông Lê Phước Thiệt ở Quảng Nam đã hoàn thành ước mơ của mình là trở thành thạc sĩ ở tuổi 85 và thậm chí còn đạt thủ khoa.

Trường hợp y sĩ Nguyễn Thị Thanh Vân ở cụm thi số 28 do Sở Giáo dục và Đào tạm Nghệ An chủ trì đi thi THPT Quốc gia ở tuổi 50, thậm chí còn bị các thí sinh nhỏ tuổi nhầm là… giám thị. Bà dự thi với mục đích để xét tuyển vào Đại học Y khoa Vinh nhằm nâng cao bằng cấp chuyên môn. Cán bộ xã Lê Viết Thuật cũng ở cụm thi này, là thí sinh tự do đi thi THPT Quốc gia để hoàn thiện hồ sơ cán bộ…

Mỗi người một mục đích và ước mơ nhưng họ đều học thật và thi thật bằng ý chí và nghị lực bền bỉ. Sự học thật đáng trân trọng là ở đây và bằng cấp từ thực lực dù ở cấp độ nào cũng rất đáng trân trọng. Họ nỗ lực bản thân, học từ bạn bè và thậm chí học từ… con cái của mình nữa.

Cách đây hai năm, một cụ ông ở tuổi 60 đã “lều chõng” từ Bà Rịa – Vũng Tàu lên TP.HCM thi tuyển sinh đại học với ước mơ có được tấm bằng đại học từ chính sức lực, trí tuệ của mình thay vì ở tuổi đó ông đã có thể yên phận với gia đình và con cháu.

Tinh thần hiếu học giúp họ vượt qua cảnh ngộ và tuổi tác và chúng ta cũng học được nhiều điều từ họ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn