MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các nạn nhân ngộ độc rượu đang cấp cứu tại BV Bạch Mai (Ảnh: BVCC)

Khi chén rượu là ly... thuốc độc

Anh Đào LDO | 13/03/2017 12:23
Nếu chúng ta ra quán để chĩnh chện gọi một "lọ" 500ml rượu với giá 7.000 đồng, thì có nghĩa là chúng ta đã rủ bạn bè, và tự chính bản thân mình đi "làm một chai thuốc chuột"- đúng nghĩa!  

Vụ 9 sinh viên ngộ độc rượu tập thể, tiếp ngay sau vụ 4 người chết vì ngộ độc rượu ở Lai Châu, khiến ngay các "Lưu Linh đệ tử" cũng toát mồ hôi mà giật mình thon thót.

Một chai rượu 500ml chỉ có giá 7.000 đồng, rẻ hơn cả nước! Rồi, tiếng là rượu, thật ra là cồn công nghiệp pha nước lã với nồng độ methanol cao gấp 2.000 lần mức cho phép. Lượng hoá thì đại khái làm 2 chén là đủ tiêu chuẩn "vào A9 Bạch Mai", thêm dăm chén có khi "Cầu Bươu rẽ trái"!

Nhưng nào ai biết trong "chén cay tiêu sầu" kia, cái nào là rượu, cái nào là cồn công nghiệp! Nào ai biết chuốc chén lấy vui, hay sầu càng sầu để rồi có khi thành ra "đi buôn chuối xanh"!

Nhớ 3 năm trước, scandal "rượu Hà Nội 29" gây rúng động dư luận xã hội, cũng tình cờ có những con số "4 người chết vì ngộ độc", cũng "nồng độ methanol cao gấp 2.000 lần"! Năm ấy, sau lời khai của đối tượng Nguyễn Duy Vường, nguyên giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu 29 Hà Nội về chuyện mua 18.000 lít cồn để pha chế rượu, đã có yếu kiến về việc cấm rượu lậu được đặt ra.

Khi ấy, không ai nghe cả khi rượu đế, hay nút lá chuối, hay quốc lủi...vẫn là một nhu cầu có thật với khoảng 90% trong tổng lượng tiêu thụ 350 triệu lít/ năm.

Và rồi thì Lai Châu. Và rồi thì 9 sinh viên. Và rồi 22 người ngộ độc/ tháng.

Nhìn lại lịch sử, những cái tên gọi dân gian "rượu đế", "quốc lủi", "rượu ngang" xuất hiện khi chính quyền bảo hộ có lệnh cấm rượu dân tự nấu.

Có thể, chúng ta mới chỉ nhìn thấy khía cạnh tiêu cực "nhà nước thực dân cấm để thu thuế, để bán rượu Ty"! Nhưng thật ra, quyết định ấy cũng hạn chế được rất nhiều tình trạng mất kiểm soát thực phẩm...như bây giờ!

Ngày cuối tuần hôm qua, phóng viên các báo đã tiến hành khảo sát việc mua bán rượu trắng, và có vẻ như các vụ ngộ độc, chết người không "nhằm nhò" gì cả đến việc mua bán và...ăn nhậu. 

Có vẻ như rượu trắng đang trắng đúng nghĩa: không rõ nơi sản xuất, không biết thành phần, không ai giám định chất lượng, không biết methanol bao nhiêu. Và tất nhiên, chủ quán luôn khen "rượu ngon" nhưng không bao giờ chịu trách nhiệm trước sức khỏe và sinh mạng của khách hàng.

Các bạn ạ, ở địa phương mà ai cũng đoán ra, người ta làm tương phải có dòi mới ngon. Ở "quê ta", "các cụ" vẫn ủ men bằng...phân đạm, vẫn "thăm" chút thuốc trừ sâu cho tăng nồng độ. Chúng ta có nên chặc lưỡi "tại số" hay nhắm mắt bỏ qua với truyền thống rùng rợn này?!

Tôi, một người thi thoảng "tối nay nhé" vẫn cho rằng nhà nước nên cấm tiệt rượu lậu. Chẳng có phản ứng hay ca thán gì ở đây hết.

Chắc các bạn cũng đồng ý: không ai muốn trở thành sát thủ khi mời bạn bè mình những chén rượu thuốc chuột để, nhẹ thì về nhà "lái bồn cầu" ra mật xanh mật vàng, nặng thì "vào thì bằng mồm, đi ra bằng cáng"!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn