MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dưới cống là... siêu rác. Ảnh: Trường Sơn

Khi siêu máy bơm không đọ nổi với... siêu vô ý thức

Thẩm Hồng Thụy LDO | 29/10/2017 07:30

Câu chuyện chiếc siêu máy bơm không tiêu thoát nổi tình trạng ngập nước trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (TPHCM) trong trận mưa ngày 17.10.2017 bỗng gây xôn xao khi chủ đầu tư cáo buộc: Có kẻ phá hoại!

“Kẻ phá hoại” và… rác

Có kẻ phá hoại hay không khi chủ đầu tư và một số ý kiến dựa vào một vài thông số: Siêu máy bơm có 8 lần vận hành tiêu thoát nước đạt kết quả giải cứu được tình trạng ngập, nhưng đến lần ngày 17.10 thì bó tay…, và khi công nhân thoát nước đô thị xuống cống mò mẩm thì vớt được hàng đống rác?

Tuy nhiên chỉ chừng đó thôi thì cũng chưa thể khẳng định rằng “có phá hoại”. Nói như một số người đủ bình tĩnh, thì hãy để cho cơ quan điều tra vào cuộc làm rõ, và nhất thiết cần điều tra làm rõ.

Song ở góc độ khác, không cần cơ quan điều tra cũng đã thấy quá rõ nguyên nhân siêu máy bơm bó tay, là vì… siêu vô ý thức. Hàng đống rác kia chính là minh chứng hùng hồn về tình trạng vô ý thức chứ còn gì! Hay nói đúng hơn, những mớ ý thức lổn ngổn với nào chai nhựa PET, hộp xốp đựng thức ăn, bao nilon, lọ lon.v.v… toàn là những thứ không chỉ gây nghẹt gây úng gây ngập mà còn là những loại đồ khó tiêu hủy nhất. Túi xốp ư? Để phân hủy được khi chôn lấp mất ít nhất 100 năm. Chai nhựa PET đựng thức uống ư? Cũng hàng chục năm mới phân hủy được trong môi trường nước hay đất… Những thứ đó nếu có thể chui được vào máy bơm thì ngay cả có siêu máy bơm cỡ nào thì cũng bị “tắt thở” mà thôi.

Tới thời điểm này, chiếc siêu máy bơm của Cty Quang Trung vẫn chưa được nghiệm thu và chính vì thế, lần bó tay ngày 17.10 vừa qua khiến làm gợn lên nhiều nghi ngờ: Chủ đầu tư thì nghi ngờ, thậm chí cáo buộc “có phá hoại”. Bên ngược lại thì sẽ có lí do để khoan nghiệm thu, cho rằng cần thêm thời gian để kiểm chứng hiệu quả thực sự của siêu máy bơm. Bởi nếu đã ghi nhận thành công và nghiệm thu, thì mô hình áp dụng siêu máy bơm tiêu thoát ngập úng có thể sẽ được nhân rộng ở nhiều nơi khác tại TPHCM.

Trong bài viết này tôi không muốn trích dẫn bất cứ một lời nào mang nội dung nghi ngờ hay cáo buộc của phía Cty Quang Trung cho rằng “có phá hoại”. Nhưng tôi muốn dẫn lại phát ngôn của ông Nguyễn Tăng Cường – Tổng giám đốc Cty Quang Trung – trên một tờ báo: “Chúng tôi là doanh nghiệp làm công nghệ chứ không phải làm cống. Mong các đơn vị liên quan hỗ trợ chúng tôi trong việc duy tu, bảo vệ hệ thống cống để máy bơm hoạt động hiệu quả. Nếu sắp tới dưới cống vẫn chứa nhiều rác loại lớn như vừa qua thì siêu máy bơm cũng chịu thua”.

Cuộc đọ sức… không cân sức

Trên thực tế thì khi gặp tình trạng siêu vô ý thức, thì “các đơn vị liên quan” mà ông Cường đề cập cũng bó tay mà thôi. Không có công nghệ hay máy móc nào có thể ngăn được rác từ hàng triệu con người thiếu ý thức vứt xuống đường xuống cống thoát nước. Cũng chẳng có lực lượng vệ sinh đô thị nào có thể vớt hết rác bị vứt một cách bừa bãi khắp các nơi do thiếu ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường. Có lẽ cái câu “Mong các đơn vị có liên quan…” nên được chỉnh lại là “Mong bà con, cô bác, người dân…” thì sẽ đúng hơn và hợp hơn, trừ phi thực sự có những đối tượng xấu nào đó đang muốn “phá hoại”.

Siêu máy bơm đụng với siêu vô ý thức, e rằng còn lâu mới đọ nổi!

Đến lúc này cũng cần lật lại vấn đề một chút. Nếu người dân nói chung có ý thức văn minh đô thị bảo vệ môi trường vệ sinh phố xá hơn, thì cống thoát không đến nỗi bị nghẹt nặng, và những dòng kênh dẫn nước thoát ra sông cũng không đến nỗi bị bồi lấp khiến cho tình trạng tiêu thoát ngày càng yếu và chậm như những năm qua. Tất nhiên, tình trạng cống thoát nước nghẹt rác rến chỉ là một trong những thủ phạm mà thôi chứ không hoàn toàn. Còn một thủ phạm khác nữa rất quan trọng, thậm chí là nguyên nhân chính. Đó là tình trạng đô thị hóa cùng với các dự án san lấp, xây dựng lấn chiếm dần lòng sông và kênh mương nhỏ khiến cho mạng lưới tiêu thoát nước tự nhiên “thất thủ” góp phần gây ra ngập úng trầm trọng, đặc biệt là mỗi khi triều cường. Thủ phạm này, lâu nay chỉ đề cập đến chứ chẳng thấy xử được trường hợp nào. Nếu thủ phạm thứ nhất làm hỏng cống thoát bằng việc thiếu ý thức vứt rác bừa bãi thì thủ phạm thứ hai làm hỏng mạng lưới tiêu thoát nước tự nhiên vì lợi vì tiền.

Không nên nhìn về sự đô thị hóa một cách cực đoan đầy dị ứng nhưng rõ ràng là, tình trạng đô thị hóa thiếu kiểm soát của cả chủ đầu tư, bên thi công xây dựng và cơ quan quản lí – hay nói cách khác là vô ý thức/thiếu ý thức về qui hoạch mạng lưới tiêu thoát nước đô thị - đã dẫn đến ngập úng ở nhiều nơi. Tình trạng ngập úng tại TPHCM hiện nay là điểm ngập có thể giảm theo thời gian nhưng diện ngập thì ngày càng rộng và lớn hơn. Nguyên nhân là các điểm ngập đã dần “giao lưu” với nhau nhập thành điểm ngập lớn… 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn