MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngày hội hiến máu tình nguyện thành phố Hội An năm 2016 - Ảnh: Trung An Mỹ

Không ai chết vì hiến máu, nhưng đã và sẽ có nhiều người chết vì thiếu máu!

KHÁNH NINH LDO | 30/08/2017 07:00
Những ngày này, mở mạng xã hội, mở những trang tin, thông tin liên quan đến ngành y, lãnh đạo ngành y tràn ngập. Tất nhiên, là một người làm báo, tôi cho rằng, việc bạn đọc chia sẻ những thông tin liên quan đến y tế, giáo dục sẽ tốt hơn rất nhiều việc chia sẻ những thông tin liên quan đến cướp, giết, hiếp hoặc ca sĩ, người mẫu ăn mặc hở rốn, lộ hàng.

Thế nhưng, đi kèm với những thông tin được chia sẻ, tôi nhận thấy nổi lên đó là một sự cuồng nộ, những lời hằn học, những “phân tích”, “mổ xẻ” mà trong đó sự bình tĩnh nhìn nhận thấu đáo đã biến mất.

Tôi thật sự bất ngờ khi đọc những dòng trạng thái phản đối nội dung “bắt buộc công dân phải thực hiện hiến máu 1 năm/lần” trong dự án Luật Về máu và tế bào gốc của Bộ Y tế như “Tôi sẽ không bao giờ đi hiến máu” hoặc “Hay chưa, đến hiến máu cũng bắt buộc, tôi phản đối” hoặc “Máu của tôi mà cũng muốn hút sao…” và dẫn link những bài báo, đôi khi là những bài báo chẳng liên quan đến việc hiến máu mà là dẫn link bài viết liên quan đến những cá nhân, câu chuyện khác của ngành y tế.

Tôi tự hỏi, khi đưa những dòng này lên, mấy ai đọc hết phần nội dung về “bắt buộc hiến máu 1 năm/lần” trong dự Luật Về máu và tế bào gốc, hoặc mấy ai chịu đọc hết 1 đoạn dù ngắn nhất: “Công dân phải thực hiện 1 năm/lần nhưng có loại trừ một số trường hợp không thể hiến máu hoặc quy định việc hiến máu là tự nguyện kết hợp với tăng chi cho hoạt động vận động hiến máu” – Tức đây là dự luật và sẽ có những điều chỉnh!

Những ai phản đối, những ai lên án đề xuất này, họ đã từng một lần đi hiến máu chưa, hoặc chứng kiến một người nào đó đối diện với cảnh “thập tử nhất sinh” nếu không được truyền máu sẽ chết?

Theo thống kê của Viện Huyết học truyền máu T.Ư, năm 2016 cả nước tiếp nhận được trên 1,2 triệu đơn vị máu (350 ml/đơn vị), tính cả người hiến máu loại 250 ml thì có tổng số trên 1,4 triệu đơn vị máu được hiến tặng, tương đương 1,52% dân số.

Trong khi đó, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi quốc gia có 2% dân số tham gia hiến máu là đảm bảo đủ máu cho điều trị. Như vậy, các bạn có tự hỏi số % còn thiếu kia sẽ lấy ở đâu bù vào?

Đương nhiên chẳng có ở đâu bù vào cả, người thiếu máu sẽ chết thôi. Chết vì không có máu để truyền, chết vì những lời phản đối của chính chúng ta ngày hôm nay! Như người mẹ của bạn tôi, cách đây 15 năm, mẹ bạn ấy sinh con thứ hai và mất do bị băng huyết sau sinh. Mẹ bạn ấy mất máu nhiều quá, lượng máu dự trữ của bệnh viện huyện nghèo ngày đó không đủ. Bạn tôi và em nó, côi cút lớn lên mà không có mẹ!

Tôi đã nhiều lần hiến máu, những lần đó tôi đều được phát viên sắt, sữa, tiền để bồi dưỡng, tất nhiên có người cho rằng, giá trị không bằng lượng máu mình bỏ ra. Tôi chỉ “Ừ” cho qua chuyện vì tôi nghĩ mình đã đi “hiến máu” chứ không “bán máu”.

Hơn nữa, tôi được trả một tấm giấy chứng nhận đã tham gia hiến máu tình nguyện. Khi cần, tôi sẽ được trả lại đúng số máu đã hiến. Hiến máu là cứu người nhưng đó cũng chính là cách để cứu chính mình khi nguy cấp!

Ngành y không “trồng”, không “sản xuất” được máu, máu chỉ có thể được lấy từ chính chúng ta, từ tấm lòng sẻ chia. Có thể bạn chưa đồng tình với chữ “bắt buộc” hoặc chưa hài lòng với những điều khoản của dự án Luật Về máu và tế bào gốc của Bộ Y tế, bạn hoàn toàn có quyền góp ý để cho các quy định này phù hợp hơn.

Tuy nhiên, đừng vì một sự bất mãn với một vài cá nhân hoặc những vấn đề mà ngành y đang gặp phải rồi kêu gọi nhau “đừng hiến máu” bởi sự thực là “không ai chết vì hiến máu nhưng đã và sẽ có nhiều người chết vì thiếu máu”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn