MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cầu Dùng - nơi xảy ra sự việc đau lòng hai nữ sinh nắm tay nhau tự tử trên sông Lam. Ảnh: NLĐ

Không chỉ là chuyện hai nữ sinh nắm tay nhau tự tử

Anh Đào LDO | 11/12/2017 11:41
Mô típ rất quen thuộc trong các vụ nữ sinh tự tử là “không có gì bất thường”, là các cháu ngoan ngoãn, học khá giỏi, là thậm chí “sáng nay thấy nó vẫn vui cười”..., và vì không có xé áo lột quần, không có clip... cho nên các vụ việc ấy nhanh chóng rơi vào quên lãng, cho đến khi có một vụ tự tử mới.

11 năm trước, ngày 29.5.2006, có một đám tang tập thể được tổ chức ở sân vận động Thanh Hà, Hải Dương.

Một nhân viên trạm bơm Ba Lữ trong lúc đi tuần đã phát hiện hai chiếc xe đạp, năm đôi dép, năm cái cặp học trò bỏ lại bờ sông. Để rồi sau đó, người ta phát hiện 5 nữ sinh lớp 7, sau khi để lại thư tuyệt mệnh đã cột tay nhau bằng khăn đỏ để rồi gieo mình xuống sông tự tử.

Cả xã hội năm ấy đã thực sự choáng váng, nhưng là choáng váng thuần tuý vì con số 5, vì đó là một vụ tự sát tập thể.

Người ta nói về một thứ tuổi dở hơi. Người ta bàn về những lý do lãng xẹt. Người ta đọc trên báo thấy 4 là học sinh khá, 1 học sinh giỏi. Người ta suýt xoa vì cả 5 đều ngoan ngoãn. Người ta ngạc nhiên vì “trước đó không có gì bất bình thường”.

Lẩm cẩm lục lại câu chuyện từ 11 năm về trước vì những thông tin “hậu tự tử” trong 11 năm qua luôn cùng một mô típ: Ngoan, học giỏi, không có gì bất bình thường. Ví dụ thời sự nhất là vụ 2 nữ sinh vừa tự tử trên sông Lam. 2 nữ sinh lớp 8. Nắm tay nhau. Thư tuyệt mệnh để lại. Đó chính xác là một vụ tự tử tập thể. Và cái hậu tự tử, đau lòng và nguy hiểm thay, vẫn là “ngoan, học giỏi, không có gì bất bình thường”.

Tôi có cảm giác như chúng ta đã nhìn nhận quá hời hợt từ những tín hiệu xã hội nguy hiểm này.

Có thể bạn chưa biết, một công bố hồi tháng 5 cho biết mỗi năm trên thế giới có tới 1 triệu thanh thiếu niên chết vì tự tử; riêng ở Việt Nam, theo một cuộc điều tra, 8,9% dân số nghĩ đến chuyện tự tử.

Dự án “Chăm sóc sức khỏe tâm thần học sinh trường học tại Hà Nội” do Sở Y tế Hà Nội, Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương với Đại học Melbourne (Australia) khảo sát đưa ra con số đáng lo ngại: 19,46% học sinh độ tuổi từ 10-16 gặp trục trặc về sức khỏe tâm thần. Trong 21.960 thanh thiếu niên Hà Nội có 3,7% bị rối loạn hành vi.

Là nạn nhân của một nền giáo dục hình thức chạy theo thành tích, nơi điểm 9-10 là thước đo và căn bệnh “kỳ vọng” của các bậc cha mẹ, đã dồn áp lực lên trẻ con mà sự mắng mỏ “con nhà người ta”, tưởng vớ vẩn hoàn toàn có thể trở thành nguyên nhân.

Trong "Rừng Na Uy", đằng sau cái vỏ sex là căn bệnh của cả một thế hệ cô đơn tìm thấy ý nghĩa duy nhất của cuộc đời trong cái chết. Phải chăng điều đó đang dần không xa lạ ở VN, nơi không ít những đứa trẻ cô đơn trong chính mái ấm, trong chính ngôi trường của mình?!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn