MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nạn nhân bị thiệt mạng do mưa lũ. Ảnh: Xuân Hùng

Làm gì để giảm thương vong do thiên tai?

QUANG ĐẠI LDO | 15/10/2017 07:54
Trong đợt mưa lũ bất thường vừa qua, số người chết và mất tích đã lên tới gần 100. Đây là con số nhức nhối, cho thấy cần có những giải pháp khẩn cấp, hữu hiệu để ngăn chặn.

Theo Văn phòng Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, đến ngày 14.10, trong đợt mưa lũ vừa qua, đã có 97 người chết và mất tích. Chiều 14.10, có 2 cháu bé ở huyện Thanh Chương (Nghệ An) tử vong, đưa con số thương tâm lên 99 người, và có thể chưa dừng lại.

62 người chết, tỉnh Hoà Bình có 22 người, Thanh Hóa 15 người, Nghệ An 11 người, Sơn La 6 người, Yên Bái 6 người, Quảng Trị 1 người, Bắc Cạn 1 người. Còn 37 người mất tích, nhưng khả năng sống sót rất thấp. Ngoài ra, còn 31 người bị thương ở các mức độ khác nhau.

Số người chết mà mất tích có một số người thuộc cơ quan chức năng, phóng viên báo chí, còn lại chủ yếu là dân thường. Nguyên nhân chết và mất tích chủ yếu do đuối nước và bị lở đất đá vùi lấp.

Mặc dù cơ quan chức năng liên tục khuyến cáo, và đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người dân di dời ra khỏi vùng nguy hiểm, cũng như các biện pháp bảo đảm an toàn, cứu hộ… nhưng con số thương vong trong đợt mưa lũ vừa qua vẫn rất lớn.

Do tập quán, và điều kiện đất đai chật hẹp, đồng bào vùng miền núi thường làm nhà sát chân núi, hoặc đào núi, đồi để lấy mặt bằng làm nhà. Nhiều nhà chỉ là túp lều chênh vênh nơi mái núi, bờ sông, suối, rất dễ làm mồi cho lở đất, hoặc lũ quét.

Do địa bàn rộng, đi lại khó khăn, nguồn lực yếu, nên sự hỗ trợ của chính quyền địa phương cũng hạn chế. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng khi xảy ra sạt lở đất, gây hậu quả rất lớn. Vì vậy, công tác cảnh báo, dự báo phải làm tốt hơn, việc di dời dân cần tiến hành triệt để, mở rộng diện di dời, cần thiết phải cưỡng chế.

Đối với các vùng đồng bằng, tai nạn chủ yếu xảy ra do đuối nước, và lỗi thuộc về nạn nhân, hoặc người nhà. Ví dụ, các cháu nhỏ, do cha mẹ quản lý không cẩn thận, ra chơi đùa nơi nước sâu và bị tử vong. Một số trường hợp người dân biết rõ đường ngập, nhưng vẫn cố vượt qua dẫn đến bị nước cuốn. Một số chết do liều mình đi đánh cá, vớt củi trong mưa lũ.

Những trường hợp này, trách nhiệm một phần thuộc về chính quyền địa phương và cơ quan chức năng (không cấm đường nguy hiểm, không thông báo kịp thời lịch nghỉ học…) và lỗi cũng thuộc về các gia đình, cá nhân. Mặc dù đây là bài học đau xót, nhưng năm nào, mùa nào cũng có tai nạn xảy ra.

Quy trình, giải pháp… đều đã có. Tuy nhiên, nếu chính quyền sâu sát, quyết liệt hơn và người dân cẩn trọng hơn, sẽ bớt đi rất nhiều những cái chết thương tâm, không đáng có.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn