MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Năm học 2015-2016, khi Báo Lao Động phản ánh tình trạng lạm thu ở Trường Tiểu học số 1 Khe Sanh, nhà trường phải trả lại cho phụ huynh khoảng nửa tỉ đồng.

Lạm thu đang núp bóng các khoản “tự nguyện” ở trường học?

K.Q LDO | 09/10/2016 16:31
Tôi có con đang theo học ở Trường Tiểu học số 1 Khe Sanh (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), vào đầu năm học 2016-2017, giáo viên tổ chức họp phụ huynh để thống nhất các khoản thu. Cũng như năm học trước, một số khoản thu được đưa ra không hợp lý, nhưng tâm lý ngại va chạm và sợ ảnh hưởng đến quyền lợi của con, nên tôi và phần lớn phụ huynh miễn cưỡng phải đồng ý. 

Năm học trước, nhà trường phát cho phụ huynh một tờ giấy bao gồm các khoản thu, nhưng năm nay thì giáo viên chỉ đọc cho phụ huynh nghe, thậm chí không chép lên bảng. Con tôi đang học lớp 3, ở điểm chính của trường và phải đóng một số khoản sau: Nước uống 70 nghìn đồng; bảo trì máy tính 50 nghìn đồng; tiền thuê bảo vệ 90 nghìn đồng; quỹ hỗ trợ các hoạt động giáo dục 50 nghìn đồng; dụng cụ vệ sinh 30 nghìn đồng; quỹ phụ huynh trường 100 nghìn đồng. Ngoài ra, lớp thu thêm quỹ lớp 200 nghìn đồng; trang trí lớp học 80 nghìn đồng; vệ sinh lớp 60 nghìn đồng; giấy vệ sinh 22 nghìn đồng. Chưa tính các khoản dành cho học sinh bán trú, một học sinh lớp 3 phải nộp gần 800 nghìn đồng vào đầu năm học.

Khi nghe giáo viên thông báo, tôi đặt ra nhiều băn khoăn ở một số khoản tiền, ví dụ như tiền bảo trì máy tính. Ở trường, có hơn 10 máy tính để bàn, mỗi tuần học sinh chỉ học được vài tiếng bên máy tính, thì hỏng hóc đến đâu mà mỗi em nộp 50 nghìn đồng. Riêng khoản này nhà trường thu được số tiền khá lớn, đủ mua mới vài  bộ máy tính mới toanh chứ không ít.

Ở khoản tiền thuê bảo vệ, khi chúng tôi thắc mắc sao nhiều thế, giáo viên giải thích là thu luôn tiền để thuê bảo vệ ở các điểm trường lẻ. Điều này thật vô lý, đáng ra con tôi học ở đâu thì thuê bảo vệ ở đó, gộp vào luôn như vậy là không được. Hay ở khoản nước uống 70 nghìn đồng, giáo viên phân tích là con chúng tôi học 2 buổi, chạy nhảy nhiều nên uống nhiều nước. Nhưng trường cấp 3 ở huyện tôi, mỗi học sinh chỉ đóng 35 nghìn đồng cho khoản nước uống. Tôi tính cụ thể thì thế này, 1 tuần con tôi học 5 buổi sáng (3,5h/buổi) và 4 buổi chiều (2,5h/buổi), tổng cộng là 27,5h/tuần; còn học sinh cấp 3, học 6 buổi (4,5h/buổi) và khoảng 3,5h môn thể dục, tổng cộng là 30,5h/tuần. Như vậy, giờ học ở cấp 3 nhiều hơn ở tiểu học, nước uống tính theo trọng lượng cơ thể, nên việc ở tiểu học thu đến 70 nghìn, gấp đôi tiền nước của học sinh cấp 3 là không đúng...

Ở Trường Tiểu học số 1 Khe Sanh, cả điểm trường chính và phụ gần cả nghìn học sinh, vì vậy số tiền thu được khá lớn. Dù biết là nhiều khoản thu không hợp lý, nhưng khi giáo viên gọi từng người lên, yêu cầu ký vào biên bản, thì phần lớn phải đồng ý vì sợ trong quá trình học con em mình sẽ bị làm khó. Tôi nằm trong số những phụ huynh đặt bút ký đồng ý, nhưng cứ mãi băn khoăn về các khoản nộp. Tôi nhận thấy rằng, lạm thu đang núp bóng dưới các khoản tự nguyện ở trên.

Trước đó, vào năm học 2015-2016, khi phụ huynh chúng tôi phải nộp 8 khoản tiền tổng cộng 633 nghìn đồng có tên là "tự nguyện", Báo Lao Động đã có bài phản ánh, đến khi cơ quan chức năng vào cuộc thì nhà trường phải trả lại cho phụ huynh khoảng nửa tỉ đồng. Tôi hi vọng rằng, những khoản thu ở Trường Tiểu học số 1 Khe Sanh vào năm học này cũng sẽ được làm rõ, được minh bạch như năm học trước.

(K.Q, phụ huynh học sinh lớp 3, Trường Tiểu học số 1 Khe Sanh)

Hãy tham gia Diễn đàn! Bạn đọc có thể bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình tại phần Bình luận sau mỗi bài viết; bấm vào chuyên mục "Làm báo cùng Lao Động" hoặc gửi vào địa chỉ email: bandoclaodong@gmail.com; Fanpage Báo Lao Động: www.facebook.com/laodongonline. Bài viết của bạn đọc sẽ được trả nhuận bút. Bình luận (comment) của bạn đọc nhận được nhiều lượt thích (like) sẽ có phần thưởng xứng đáng. Trân trọng cảm ơn mọi đóng góp của bạn đọc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn