MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mô hình tủ sách pháp luật hiện đã được triển khai xuống tận các bản, làng biên giới. (ảnh minh họa)

Lãng phí Tủ sách pháp luật

Đỗ Văn Nhân LDO | 22/05/2016 17:46
Mục đích của việc xây dựng Tủ sách pháp luật là để nhằm trang bị kiến thức pháp luật cho cán bộ, công chức và nhân dân, là một công cụ hữu ích hỗ trợ cho việc tìm hiểu pháp luật, áp dụng pháp luật trong quản lý, điều hành của Nhà nước cũng như nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật cho nhân dân.

Tủ sách pháp luật (TSPL) theo quy định hiện nay gồm có TSPL của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và TSPL ở cơ quan hành chính nhà nước, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân, nhà trường và cơ sở giáo dục khác của hệ thống giáo dục quốc dân, của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, đồng thời, quy định việc bố trí kinh phí đình kỳ hàng năm để xây dựng TSPL. Đến nay, hầu hết các địa phương điều ban hành quy định mức tối thiểu việc xây dựng TSPL là 2 triệu đồng/TSPL và duy trì thường xuyên.            

TSPL là nơi lưu giữ, khai thác và sử dụng sách, báo, tài liệu pháp luật để phục vụ nhu cầu công tác, nghiên cứu, tìm hiểu của người đọc. Tuy nhiên, hiện nay, qua kiểm tra hoạt động của một số TSPL thì việc khai thác rất hạn chế, không hiệu quả. Một số TSPL dùng vào mục đích khác; kinh phí được cấp để trang bị cho TSPL thì chi sai mục đích... 

Lý giải cho hiện tượng này, nhiều địa phương cho rằng hiện nay, việc phát triển công nghệ thông tin được Nhà nước quan tâm, đầu tư đúng mức nên hầu như cấp xã đều sử dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc. Muốn tìm văn bản pháp luật chỉ cần vào internet là xong không cần thiết phải tìm hiểu thông qua TSPL. 

Bên cạnh đó, với đặc thù hệ thống văn bản pháp luật luôn luôn thay đổi, TSPL không có khả năng cập nhật kịp thời, nhiều trường hợp, nếu nghiên cứu TSPL để giải quyết công việc có khi nhầm lẫn áp dụng văn bản hết hiệu lực do không rà soát kịp thời thì sẽ phát sinh khiếu nại của tổ chức, công dân. 

Mặt khác, đối với tổ chức, công dân thì việc tìm hiểu pháp luật cũng tương tự như cán bộ, công chức của cấp xã. Việc công khai các thủ tục hành chính đều được niêm yết công khai trước trụ sở của UBND cấp xã, đồng thời được công khai trên Trang thông tin điện tử của Bộ, ngành, địa phương chỉ cần truy cập là có thể tìm hiểu được pháp luật về trình tự, thủ tục giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến công việc mình.  

Chính vì vậy, trước sự phát triển của công nghệ thông tin và sự quan tâm đầu tư đúng mức trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý nhà nước như là xu thế tất yếu, thì việc duy trì hoạt động của TSPL hiện nay cần phải có sự đánh giá khách quan, toàn diện về tính hiệu quả thiết thực và mục đích, ý nghĩa mang lại của nó. 

Nên chăng thay vì trang bị TSPL, Nhà nước nên trang bị máy tính và kết nối internet tại địa điểm đặt TSPL để người dân tìm hiểu pháp luật sẽ hiệu quả hơn việc tiếp tục xây dựng và duy trì hoạt động của TSPL hiện nay. 

Đỗ Văn Nhân   Trần Hưng Đạo, TP Kon Tum, Kon Tum


 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn