MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mặt đường đi bộ và mặt nước sông Hương cách nhau rất thấp vào mùa khô. Nên việc con đường bị ngập vào mùa mưa lũ là điều dễ dàng nhận ra. Ảnh: NĐT

Lát gỗ lim đường đi bộ: Bài học về con đường ở Đập Đá còn đó

Nguyễn Đắc Thành LDO | 02/03/2018 14:39

Chuyện chính quyền tỉnh Thừa Thiên-Huế làm tuyến đường đi bộ nam sông Hương, TP. Huế đang gây ra tranh cãi lớn. Chuyện sẽ không là gì nếu nhà chức trách không dùng gỗ lim - một vật liệu đắt tiền để lót sàn.

Con đường đi bộ được hạ thấp xuống gần sát mặt nước sông Hương. Vào mùa nắng thì mặt nước cách mặt đường chỉ nửa mét. Đơn nhiên đó là khoảng cách về mùa nắng, còn về mùa mưa lũ thì nước sẽ dâng cao hơn nhiều lần so với hiện tại. Ở Huế vào thời điểm mưa lũ, nước sông Hương bao giờ cũng dâng cao, gây ngập cả đường phố.

Việc chính quyền Huế chọn gỗ lim lát mặt sàn con đường đi bộ, nơi mà thời tiết rất thất thường như ở Huế đang gây ra sự tranh cãi gay gắt. Nhiều ý kiến cả chuyên gia lẫn người dân đều lo sợ việc phơi nắng, phơi mưa và ngâm trong nước lũ nhiều sẽ khiến gỗ hư hỏng.

Việc chọn vật liệu nào để đưa vào lát mặt sàn tuyến đi bộ đã được ban dự án đưa ra những phân tích, so sánh. Cụ thể, gỗ lim là một trong bốn loại gỗ nằm trong nhóm tứ thiết (đinh, lim, sến, táu); ưu điểm nổi bật là loại gỗ rất cứng, chắc, bền, co ngót, không biến dạng hay cong vênh theo thời tiết, bền vững theo thời gian, đặc biệt ở vùng khí hậu nhiệt đới nóng ẩm. Gỗ lim thường dùng trong xây dựng công trình thủy lợi, cầu cống, đóng tàu thuyền, làm ván sàn, tà vẹt; màu sắc hài hòa, thân thiện môi trường, cảnh quan.  

Vào những tháng cuối năm 2017, mưa lũ tràn về đã phá hủy và làm hư hỏng bề mặt con đường ở Đập Đá, TP.Huế. Chỉ mấy ngày bị ngâm trong nước, con đường bong tróc hết bề mặt, để lại những “ổ gà”, “ổ voi”... gây khó khăn cho người tham gia giao thông. Và hiện tại, những hư hỏng đó cũng chỉ đang được vá tạm, gây mất thẩm mỹ ở một thành phố du lịch. Điều mà trước đó, đơn vị đầu tư đã thừa nhận rằng chọn nhựa đường để làm mặt đường ở đó khi nước lũ về sẽ nhanh hư hỏng, nhưng vì sự thẩm mỹ cho công trình mà chọn vật liệu đó. Và rồi tính thẩm mỹ của công trình cuối cùng cũng chẳng còn.

Việc Ban quản lý dự án chọn gỗ lim để lát sàn cũng nằm trong việc tính toán theo tính thẩm mỹ, hài hòa, thân thiện như vậy. Thế nhưng, họ lại quên tính đến việc vật liệu đó nằm ở đâu. Không có vật liệu nào cứng cáp, bền tốt để có thể chịu được vài tháng bị phơi nắng, vài tháng phơi mưa và vài tuần bị ngâm trong nước lũ như vậy.

Bài học nhãn tiền về việc chọn vật liệu ở tuyến đường Đập Đá vẫn còn đó, khi sự việc chưa đi quá xa, hy vọng các nhà chức trách biết lắng nghe để thay đổi.

Tiền tài trợ không hoàn lại cũng là tiền chứ không phải là lá mít, thưa các ông!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn