MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân tại hội nghị sáng ngày 2.1.2018 (ảnh: M.Q).

Lương Chủ tịch quận cần tăng và biên chế cần giảm

Thế Lâm LDO | 03/01/2018 16:10
Vấn đề cần tăng lương cho Chủ tịch quận được đích thân Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đề cập trong Hội nghị triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách thành phố năm 2018 vào sáng ngày 2.1.

Theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, có những quận – đơn cử là quận Bình Tân của TP.HCM – dân số 741.000 người, nhiều hơn cả tỉnh Bắc Cạn: “Bộ máy thì như một quận mà vận hành như một tỉnh, số lượng người quá lớn sẽ không tránh khỏi nhiều hệ lụy phát sinh, đòi hỏi trách nhiệm quản lý nặng nề hơn”.

Chủ tịch quận chỉ là người đứng đầu bộ máy hành chính chứ nếu xét theo tiêu chí “trách nhiệm quản lí nặng nề” thì còn có nhiều người, nhiều vị trí công việc trong bộ máy cũng chịu áp lực lớn không kém. Họ cũng cần được xem xét tăng lương hay phụ cấp theo thực tế khối lượng công việc đảm nhận và phải giải quyết lớn hơn so với nhiều quận huyện khác.

Người làm nhiều và hiệu quả thì phải được hưởng lương xứng đáng cũng là lẽ công bằng. Song ngân sách không thể tự phình để tăng lương, tăng thu nhập cho cán bộ công chức. Nguồn kinh phí lấy từ đâu là cả một bài toán phải giải quyết, mà theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân thì cần “sắp xếp bộ máy để giảm biên chế ở những chỗ cần giảm”.

Chỗ cần giảm hiện nay ư? Có không ít. Tình trạng cán bộ công chức, viên chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” khá phổ biến, vì vậy mới còn tình trạng ăn nhậu buổi trưa, vì vậy mới có chuyện một phòng ban có 1 trưởng phòng nhưng có tới mấy  phó, song lại chỉ có 1 nhân viên gánh việc.

Ngay đầu năm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP đề cập đến một trong các nhiệm vụ quan trọng trong năm 2018 là  giảm 1,7% công chức và 2,5% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Trên thực tế, bộ máy công chức có nơi không chỉ cần phải giữ nguyên số lượng mà còn cần tăng, bù vào đó là giảm nơi cần giảm. Nhưng còn đội ngũ viên chức, thì có thể giảm mạnh.

Giải pháp là có nhiều đơn vị sự nghiệp cần được xã hội hóa, hoặc nhà nước cần quen với việc thuê dịch vụ bên ngoài thông qua đấu thầu giá cạnh tranh thay vì cứ duy trì cả một bộ máy cồng kềnh, như vậy sẽ giúp tiết giảm không ít chi phí. Nguồn kinh phí dôi dư nhờ tiết giảm dùng để tăng thu nhập hay chăm sóc thêm cho đội ngũ cán bộ công chức đương nhiệm.

Không có phép màu nào tăng ngân sách để tăng lương cho các vị trí gánh vác nhiều trách nhiệm, áp lực công việc trong bộ máy công quyền thay cho việc tinh giản bộ máy. Đó là con đường duy nhất mà cũng ngắn nhất, để tiết giảm ngân sách và thúc đẩy bộ máy làm việc hiệu quả hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn