MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh họa (internet)

Một góc nhìn về việc ưu ái và bổ nhiệm người nhà

Thủy Lâm LDO | 26/03/2017 10:26
Hiện tượng “cả nhà làm quan”, “cả họ làm quan” đã và đang diễn ra ở không ít địa phương thời gian vừa qua đã được truyền thông và dư luận chú ý, song điều đó không có nghĩa là con số chỉ dừng lại 9 địa phương như ông Nguyễn Tiến Thành - Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ - thông tin kết luận của bộ về việc này. Được biết, các vụ việc trên đã được thanh tra làm rõ và xử lý. Một câu hỏi đặt ra là những hiện tượng nêu trên đã được xử lý như thế nào mà tình trạng đó không những không chấm dứt mà còn có dấu hiệu gia tăng, một thời gian lại lòi ra vài vụ như vậy? 

Dư luận vừa dậy sóng vụ “GĐ Sở Nội vụ Hải Dương bổ nhiệm thần tốc con ruột làm Phó phòng để... tiện chăm sóc cháu nội” chưa kịp lãng quên thì vài ngày gần đây, lại tiếp tục câu chuyện “Quảng Trị: Lùm xùm chuyện chủ tịch huyện ưu ái con trai". Liên tiếp xảy ra những hiện tượng trên đã khiến những thông tin này đang dần trở nên quen thuộc đến mức, một số người đã coi đó là “chuyện bình thường” bởi “không lẽ họ đi ưu ái con nhà… hàng xóm”?

Hiện tượng “cả nhà làm quan”, “cả họ làm quan” đã và đang diễn ra ở không ít địa phương thời gian vừa qua đã được truyền thông và dư luận chú ý, song điều đó không có nghĩa là con số chỉ dừng lại ở 9 địa phương như ông Nguyễn Tiến Thành - Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ - thông tin kết luận của bộ về việc này. Được biết, các vụ việc trên đã được thanh tra làm rõ và xử lý. Một câu hỏi đặt ra là những hiện tượng nêu trên đã được xử lý như thế nào mà cứ hiện tượng không những không chấm dứt mà còn có dấu hiệu gia tăng, một thời gian lại lòi ra vài vụ như vậy?

Có một thực tế chúng ta nên nhìn nhận, đó là việc ưu ái con mình, người nhà mình là điều đương nhiên của bất cứ ai (nếu việc đó không vi phạm pháp luật). Và khi việc ưu ái người nhà mình để có công việc tốt, một chức vụ tốt… trong hoàn cảnh việc làm khó khăn, làm… sếp thì càng khó khăn hơn như hiện nay thì việc trả giá như bị khiển trách, bị kỷ luật, bị lên mặt báo đi nữa thì cũng là “chuyện nhỏ như con thỏ”. Cái được thì quá nhiều mà cái mất thì… không đáng là bao, chưa kể có nhiều người không hề mất mát gì cả vì không bị ai “sờ” đến.

Một câu hỏi nữa cũng nên đặt ra đó là những trường hợp ưu ái “con nhà người khác” thì sao? Phải chăng khi chăm chăm xem ai là người nhà của ai mà báo chí và dư luận lại đang bỏ quên đi những trường hợp tiêu cực khác – những trường hợp bổ nhiệm không vì “con ông cháu cha” mà vì… thứ khác? Nếu những trường hợp có sai phạm như trên nhưng rơi vào những trường hợp không phải người nhà thì có ai lên tiếng không, hay đó là điều hiển nhiên không đáng bận tâm. Nếu như vậy, liệu chúng ta có đang thiếu công bằng trong việc thể hiện thái độ với những sai phạm, tiêu cực trong xã hội, chúng ta đang chỉ cần tố những người sai phạm vì ưu ái người nhà chứ không cần quan tâm đến người được bổ nhiệm có làm tốt nhiệm vụ của mình hay không?

Theo quan điểm của cá nhân, điều chúng ta cần quan tâm trong việc bổ nhiệm là người được bổ nhiệm có đúng quy trình bổ nhiệm hay không, có xứng đáng với vị trí mà họ đảm nhận hay không, chứ đừng quan tâm họ con ai, cháu ai, người nhà của ai. Nếu là con cháu của các lãnh đạo nhưng họ đủ trình độ, bằng cấp, đủ phẩm chất năng lực thì việc bổ nhiệm là điều đương nhiên và không có gì phải bàn cãi (Điều này cũng không hiếm ở các cường quốc tư bản như Mỹ, Nhật... có những gia đình làm chính trị có truyền thống, kế thừa qua nhiều thế hệ).

Mặt khác, cho dù con nhà người khác nhưng bổ nhiệm sai quy trình, không xứng đáng thì cũng cần được quan tâm làm rõ. Để đẩy lùi những tiêu cực trong chuyện này, cần xác đinh rõ trách nhiệm thuộc về ai và xử lý kỷ luật nghiêm, đến nơi đến chốn. Làm được điều đó, không chỉ giải quyết được những tiêu cực trong bổ nhiệm mà còn đem lại niềm tin cho quần chúng nhân dân, để họ không phải to nhỏ cùng nhau rằng: “Không ưu ái con mình, không lẽ đi ưu ái con nhà hàng xóm”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn