MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lại bắt đầu mùa chạy trường cho con (ảnh minh họa)

Mùa các đường dây “chạy trường” hoạt động

Diệp Văn Sơn LDO | 29/05/2016 13:15
Đã kết thúc năm học, thi chuyển cấp đã xong , gần đến mùa thi tốt nghiệp phổ thông và xét tuyển đại học..., trên nhiều trang Web đăng công khai rao gọi,chào mời về các “đường dây” chạy tiền vào các trường danh tiếng,trường công lập từ mầm non,tiểu học,trung học cho đến đại học. Các cá nhân có trách nhiệm ở các trường cực lực phản bác các thông tin trên... Tuy nhiên trong dân gian có câu “Không có lửa sao  có khói” 

Nói như vậy không hề có hàm ý vơ đũa cả nắm.Xã hội ta là một xã hội hướng thiện với bản chất tốt đẹp, dù gì đi nữa người tốt việc tốt vẫn ở thế thượng phong. Tuy vậy trong thực tế cuộc sống không phải không có nhiều chuyện đáng  buồn.           

Công luận từ lâu đã lên tiếng về chuyện các “đường dây” tiêu cực chạy án, chạy trường, chạy quota, chạy chức, chạy dự án, chạy bằng khen giấy khen, huân huy chương… khó mà kể ra hết các đường dây. Nói chung xã hội có nhu cầu gì thiếu công khai, nặng xin cho thì liền xuất hiện các “đường dây” chạy lo những nhu cầu ấy.  

Hoàn toàn không bi quan và vơ đũa cả nắm, nhưng với 63 tỉnh thành, vài chục Bộ ngành, hơn nửa triệu trường học từ mầm non đến Đại học, trường dạy nghề, khó mà tránh khỏi chuyện chạy đủ loại.  

Dẫu biết rằng, công tác tuyển sinh đã được cải tiến nhiều, tổ chức nghiêm hơn trước đây.Tuy nhiên, chỗ này chỗ kia lơ là một chút là có chuyện.Tiêu cực như cỏ dại không nhổ liên tục thì mọc lại thôi... không ai, không ngành nào, cấp nào được chủ quan lơ là.  

Chuyện chạy đã quá phổ biến, đã được gọi là “văn hoá chạy”. Việc chạy trong một vài lĩnh vực nào đó suy cho cùng làm méo mó băng hoại xã hội.  

Với nguyên lý có cầu thì có cung, có sản phẩm chất lượng cao thì có hàng nhái, hàng giả. Các trường  học không có lý do gì được coi là ngoại lệ .Điều cũng rất đáng phê phán ở đây là một số phụ huynh không nghiêm túc, không lo cho con em thực học thực tài, mà dùng tiền bạc mua giá trị ảo cho con em cuả họ. Thử hỏi lớp trẻ này ra trường trót lọt sẽ gây hiệu ứng xấu cho xã hội đến cỡ nào!?

Theo thông tin từ báo chí, có đến 38% số thanh niên được hỏi cho rằng họ sẵn sàng vi phạm nguyên tắc liêm chính để được nhận vào một trường/công ty tốt, tỉ lệ với những người lớn được hỏi là 43%. Rất nhiều người cho rằng việc tố cáo tham nhũng không có tác dụng, hoặc cho rằng “đó không phải là việc của tôi”.

Theo chuyên gia nghiên cứu về thanh niên, điều đáng buồn và đáng báo động hiện nay là nhiều thanh niên cho rằng sự trung thực gắn liền với sự thiệt thòi, người trung thực bị coi là “kẻ ngốc”. Ông cho rằng, thanh niên không có lỗi khi suy nghĩ như vậy mà trách nhiệm thuộc về xã hội, thuộc về các cơ chế tạo ra sự giả dối.           

Vì vậy cần kêu gọi mọi người phát giác các "đường dây" chạy trường để làm lành mạnh môi trường giáo dục. Thái độ tích cực hiện giờ là không được chủ quan lơ là, phải dựa vào tai mắt của cộng đồng, nêu phát hiện tiêu cực phải cương quyết xử lý. Các “đường dây” mọi cấp độ, mọi chốn mọi nơi, không trừ ai, đang từng giờ từng phút làm băng hoại đời sống xã hội, đe doạ việc xây dựng kỷ cương phép nước… nhìn ở một góc độ nào đó thật sự là một nguy cơ..      

 ​Diệp Văn Sơn TP HCM


 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn