MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Luật Hành chính công là sáng kiến lập pháp của ĐBQH Nguyễn Thị Quốc Khánh. Ảnh: NLĐ

Mũi tấn công vào những cố tật

ANH ĐÀO LDO | 11/06/2018 09:44
Một “mũi tấn công” - từ dùng của nguyên ĐBQH Phan Trung Lý khi ông bình luận Luật Hành chính công. Và “mũi tấn công” này nhằm đạt được mục tiêu thay đổi tư duy từ “xin-cho” sang “phục vụ”, từ một nền hành chính từ “cảm tính” sang “lý tính”.

Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2019 vừa được QH thông qua trong phiên họp cuối tuần với việc trình QH thông qua 7 dự án luật vào kỳ họp thứ 7, tháng 5.2019. Và trong 7 dự án này, đang chú ý nhất là Luật Hành chính công.

Được đề xuất lần đầu năm 2013. Là sáng kiến lập pháp của ĐBQH Nguyễn Thị Quốc Khánh và thậm chí, từng bị đặt dấu hỏi “sự khác biệt giữa việc có Luật Hành chính công với việc không có luật này”, việc dự luật có tên trong chương trình thông qua là một thắng lợi không chỉ của cá nhân bà Khánh mà còn của cử tri, nhân dân, những người trực tiếp hưởng lợi từ dự án luật này.

Nói thắng lợi là vì nguyên ĐBQH Phan Trung Lý - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH - từng kỳ vọng dự án luật sẽ như một “mũi tấn công” của công tác quản lý trong lĩnh vực hành chính vào những cố tật vốn có.

Chúng ta đang có thực tế “cả họ làm quan”. Có thể nhìn thấy bằng mắt thường những trường hợp “thăng tiến thần tốc”, những quy trình luôn đúng trong quy hoạch, sắp xếp với lợi ích cá nhân, gia đình, dòng tộc được đặt lên hàng đầu, với “xúc cảm cá nhân thắng trách nhiệm, lương tâm”... Những thực tế này có nguyên nhân chính là từ những cố tật của nền hành chính: Nào là cơ chế xin-cho. Nào là những quyết định mang nặng cảm tính...

Và dự án luật đang được kỳ vọng rất lớn sẽ thay đổi tư duy từ “xin-cho” sang “phục vụ”, từ nền hành chính dựa trên “cảm tính” sang “lý tính”. Được kỳ vọng sẽ trở thành chính công cụ pháp luật để kiểm soát quyền lực nhà nước của các cơ quan hành chính.

Một cuộc cách mạng trong quản lý hành chính có thể là còn quá sớm để nói, nhưng không sớm để kỳ vọng. Huống chi Luật Hành chính công còn là sự tiên phong trong sáng kiến lập pháp từ các ĐBQH.

Một ĐBQH khoá trước từng đề xuất Luật Nhà văn nhưng chỉ đến bây giờ sau mấy chục năm lịch sử lập pháp mới chính thức có một dự án luật từ sáng kiến lập pháp mang dấu ấn cá nhân gần với hiệu quả đến vậy.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn