MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
GS Phạm Tất Dong đề xuất hướng ra đề mở cho thí sinh được sử dụng tài liệu. Ảnh: Trần Vương

Nên cho phép học sinh sử dụng tài liệu khi làm bài thi THPT Quốc gia?

NHÓM PV LDO | 29/06/2018 14:00

“Tại sao phải huy động hàng chục nghìn công an, giáo viên, thanh tra chỉ để kiểm soát học sinh làm bài trung thực, không mang điện thoại, máy tính vào phòng thi như soát kẻ gian... Thời buổi công nghệ hiện đại, chúng ta nên ra đề theo hướng thực tiễn, cho phép học sinh được sử dụng tài liệu để làm bài”, GS Phạm Tất Dong nói về Kỳ thi THPT quốc gia 2018.

Chia sẻ với PV Báo Lao Động, GS Phạm Tất Dong – nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng việc thi THPT còn một số điểm chưa hợp lý. GS Dong thể hiện sự bất bình khi suốt 1 tuần qua các phương tiện thông tin đại chúng, các cuộc kiểm tra chỉ trọng tâm nói chống quay cóp, chống sử dụng công nghệ trong thi cử, rồi huy động hàng chục nghìn công an, giáo viên, thanh tra. Bao nhiêu người kiểm soát để học sinh không mang điện thoại, máy tính vào phòng thi như soát kẻ gian... Một kỳ thi có vẻ như còn đánh đố và dọa nạt!

“Chúng ta phải làm thế nào cho học sinh vui vẻ, thể hiện được trình độ sau 12 năm. Thi ở đây là để báo cáo cho phụ huynh, cho Nhà nước biết sau 12 năm học sinh đã học tập như thế nào. Nhiều em không đỗ chúng ta có thể đề xuất Nhà nước bồi dưỡng thêm để “vớt”, vì để rớt nhiều quá chẳng giải quyết gì mà phải thêm rất nhiều trường lớp, thầy cô giáo, tốn kém cho xã hội”, GS Dong chia sẻ.

Theo vị chuyên gia giáo dục “lão làng” này, kỳ thi THPT là kỳ thi phổ thông không thể có ý nghĩa là chọn đại học, lồng hai kỳ thi là không nên. Vì thế, trong thời gian tới, GS Dong cho rằng cần tách kỳ thi THPT và đại học riêng, các trường đại học sẽ chọn theo chuẩn riêng. Thi THPT chỉ nên tổ chức hết sức đơn giản, giao cho sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) quản lý, sau khi sở tổng hợp sẽ báo cáo với Bộ GDĐT.

GS Phạm Tất Dong cho rằng cần chú trọng mục tiêu xét tuyển đại học. Ảnh: Huyên Nguyễn

Đặc biệt, GS Phạm Tất Dong bày tỏ: Thời buổi công nghệ hiện đại, chúng ta nên ra đề theo hướng thực tiễn, cho phép học sinh được sử dụng tài liệu để làm bài. Việc cấm sử dụng tài liệu như vậy khiến cho kỳ thi cũng chỉ là dùng trí nhớ. Trong khi nhà trường đang khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin trong học tập, phòng học thông minh, máy tính, internet… nhưng đến lúc đi thi lại cấm?

“Tôi cho rằng chúng ta phải thực tế lên. Thời đại mới là cần đào tạo trình độ tư duy, phản biện. Việc ra câu hỏi thi là làm thế nào đó, bằng cách nào đó, học sinh giải quyết vấn đề thực tiễn. Ví dụ, nếu nhận được một đơn đặt hàng thì anh kỹ sư không thể tự giải quyết, phải sử dụng nhiều sách vở, kiến thức của nước khác, tìm xem công nghệ mới nào các nước đang thực hiện để giải quyết. Chứ không phải yêu cầu đơn đặt hàng nào anh cũng phải tự kiến thức làm được.

Như vậy, Bộ GDĐT cần nghiên cứu nên cho học sinh làm quen cơ chế cho đề như cho học sinh một đơn đặt hàng. Chúng ta không cần biết học sinh sử dụng điện thoại di động hay gì tài liệu gì, chỉ cần giải quyết được bài đó là được. Nhiều học sinh nếu không có kiến thức và tư duy thực sự thì có tài liệu cũng không biết chép ở đâu”, GS Phạm Tất Dong chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn