MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những quả dưa xanh của người dân Gia Lai bị doanh nghiệp bỏ quên, chờ hư thối ngoài đồng. Ảnh: K.V

Người dân cứ “nhẹ dạ cả tin” doanh nghiệp, nông sản Việt còn xin giải cứu dài dài

Nguyễn Đắc Thành LDO | 14/06/2017 08:18
Dân và doanh nghiệp bắt tay làm ăn với nhau, những hứa hẹn đầu môi đã mang lại sự thỏa ước cho cả hai bên. Thế nhưng, khi nông dân thu hoạch nông sản thì doanh nghiệp hoặc lặn mất tăm hoặc bày biện lý do này, lý do khác để không mua sản phẩm.

Vì tin vào những hứa hẹn tốt đẹp mà người trồng chanh leo ở Gia Lai bị doanh nghiệp bỏ quên. Cũng vì những lời hẹn đó mà người trồng bí xanh cũng ở Gia Lai bị doanh nghiệp quên khi vào vụ thu hoạch, để rồi giờ hàng tấn bí đang được người dân đem đi bán từng quả một. Những vụ việc như vậy không phải bây giờ mới xuất hiện, mà trước đó đã xảy ra. Tuy nhiên, hà cớ gì mà người dân lại không cảnh giác, để rồi phải ôm trái đắng?

Cách đây một năm, chúng tôi có một bài phản ánh về việc người dân bị doanh nghiệp cho ngậm quả đắng như những trường hợp kể trên. Lão nông tôi tiếp chuyện là ông Việt, có tiếng cả vùng về làm nông, trải qua bao nhiêu lần thất bại, ông đều tìm tòi để vượt qua. Thế rồi, khi một doanh nghiệp tìm đến ông để đặt vấn đề trồng dưa lưới, ông đã không ngần ngại mà đồng ý.

Vì tin tưởng nhau mà hợp đồng giữa ông Việt với doanh nghiệp là hợp đồng miệng. Những điều khoản trong hợp đồng cực kỳ mù mờ, nhưng lại được ông đồng ý một cách rất khó tin. Để rồi sau đó, ông và một số người trồng dưa lưới phải đổ bỏ hàng tấn dưa cho bò, gà ăn. Và doanh nghiệp thì dựa vào những điều khoản đó để bỏ quên dân.

Theo như hợp đồng trồng dưa lưới giữa ông Việt và doanh nghiệp thì nếu dưa đạt từ 1,39kg đến dưới 2,5kg/trái (loại 1) và bề mặt không bị tì vết sẽ được công ty mua với giá 9.000 đồng/kg. Còn dưa từ 1,2kg đến dưới 1,39kg/trái (loại 2) giá 4.000 đồng/kg. Nhưng hỡi trời ơi, cả mấy sào dưa trồng giữa đồng làm sao để tránh không bị tỳ vết. Tỳ vết mà không ảnh hưởng đến chất lượng thì có sao đâu. Những lời than vãn của ông được phát ra khi doanh nghiệp ngó lơ dưa của ông. Vì theo ông Việt, cũng những quả dưa đó, cũng những tỳ vết đó nhưng vụ trước thì họ mua hết, không để lại một quả. Nhưng giờ thì biện bao đủ kiểu.

Mấy ngày nay, báo chí đưa tin người trồng dưa xanh (bí đao) ở Gia Lai bị doanh nghiệp “ngó lơ” khi đến mùa thu hoạch mà không thấy đến thu mua, điện thoại thì máy mất tín hiệu.

Trong hợp đồng với nông dân, nếu người dân tự ý bán ra thị trường thì phải bồi thường gấp 10 lần giá trị, nhưng nếu công ty không thực hiện nghĩa vụ của mình thì lại không được đề cập đến. Không biết vì sao, những điều khoản cực kỳ mù mờ và bất lợi cho mình như vậy lại được người dân đồng ý một cách rất bất cẩn, để rồi ôm bất lợi về mình.

Năm nay, cụm từ "giải cứu" xuất hiện khá nhiều và nhiều nhất là ở mặt hàng nông sản. Cụm từ “giải cứu” xuất hiện cũng có thể do xuất phát từ hàng nông sản làm ra không ai mua, không có chỗ tiêu thụ do người dân bất chấp lời cảnh báo của chính quyền mà trồng tràn lan đại hải. Nhưng cũng do một phần doanh nghiệp “chơi đểu” người dân nên mới xảy ra cơ sự như vậy.

Từ trường hợp hàng tấn dưa lưới của ông Việt, đến hàng tấn bí xanh của người dân ở Gia Lai thì có thể nói rằng, nếu doanh nghiệp cứ “chơi xỏ” nông dân kiểu đó và người dân cứ "nhẹ dạ cả tin" vào doanh nghiệp thì đường đi của nông sản Việt chắc chắn là phải nhờ vào sự giải cứu, và việc giải cứu sẽ còn xảy ra dài dài ở nước ta.

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn