MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đội ngũ giáo viên đóng vai trò quyết định đối với sự thành công của chương trình giáo dục mới. Ảnh: HUYÊN NGUYỄN

Nhân ngày 20.11: Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, còn nhiều “lực cản”

ĐĂNG TRUNG LDO | 19/11/2017 17:14
Một trong những khâu yếu đáng lo ngại là chất lượng đội ngũ nhà giáo chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới theo mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mà Bộ GDĐT vừa công bố. Nâng cao chất lượng đội ngũ đang là bài toán khó với rất nhiều lực cản.

Một trong những lý do mà nhiều địa phương cũng như Bộ GD-ĐT nêu ra để xin lùi thực hiện chương trình phổ thông tổng thể là cần có thời gian để chuẩn bị về đội ngũ nhà giáo. Trao đổi với chúng tôi, nhiều lãnh đạo ngành giáo dục các địa phương tỏ ra lo ngại về chất lượng đội ngũ còn bất cập, trong khi yêu cầu của chương trình mới rất cao.

Tinh thần của chương trình phổ thông mới là đổi mới về nội dung, phương pháp, mục tiêu giáo dục, thay đổi lối dạy học rập khuôn, truyền thụ một chiều (đọc-chép) sang lối dạy học chủ động, sáng tạo, lấy học sinh làm trung tâm, chú trọng phát triển kỹ năng, phương pháp cho người học, đáp ứng yêu cầu thực tiễn cuộc sống.

Đội ngũ GV (giáo viên) có vai trò quyết định đối với đổi mới giáo dục. Để đáp ứng mục tiêu, quan điểm dạy học mới, đòi hỏi GV phải nỗ lực rất lớn. 

Hiện cả nước có hơn 1 triệu GV phổ thông, 100% đạt chuẩn và vượt chuẩn, trong đó có những GV vượt chuẩn 2,3 cấp (yêu cầu trung cấp nhưng đã có bằng đại học, thạc sỹ, yêu cầu cao đẳng nhưng có bằng tiến sỹ). Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận năng lực chuyên môn hạn chế, chưa nỗ lực, thiếu tâm huyết với nghề nghiệp, chưa đáp ứng yêu cầu của người học.

Ngoại trừ các lớp chuyên của trường chuyên, một số lớp chọn tại các trường phổ thông (mặc dù đã bị cấm nhưng vẫn tồn tại), được bố trí các GV giỏi, tâm huyết, thì tại các lớp “đại trà”, là đội ngũ GV “thường thường bậc trung”, không thực sự nổi bật và nỗ lực. Có một bộ phận GV có năng lực chuyên môn yếu kém, đạo đức “có vấn đề”, làm việc đối phó, hình thức.

Đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, cũng còn nhiều bất cập, một bộ phận có biểu hiện suy thoái, dẫn đến lạm thu, tiêu cực.

Có sự vướng mắc từ cơ chế (rất khó đuổi việc GV yếu kém đã vào biên chế), từ các mối quan hệ (nể nang về mặt tình cảm), và cả sức ì rất đáng ngại từ chính bản thân GV. Một vướng mắc nữa là trả lương theo ngạch bậc, thâm niên, không có cơ chế trả lương theo năng lực, hiệu quả công việc, nên không kích thích được sự nỗ lực của GV.

Thực tế nói trên đã được cảnh báo từ lâu, nhưng chưa có giải pháp mang tính đột phá để khắc phục, và càng trở nên đáng lo ngại khi áp dụng chương trình phổ thông mới. Ngay cả Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng thấy nan giải: “Khi yêu cầu các GV nâng cao hơn chất lượng… thì chế độ cũng phải phù hợp. Còn nếu chỉ yêu cầu GV phải nâng cao chất lượng mà chế độ vẫn như cũ thì không được".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn