MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thi tốt nghiệp THPT không đậu vẫn làm... quan xã.

Nhiều cán bộ xã viết "đơn xin mất xe đạp"

Xuân Hùng LDO | 18/11/2017 19:00
Trên báo Lao Động vừa đăng tin về 2 “hạt mầm” của văn hoá từ chức là ông Phạm Văn Tốt - Chủ tịch UBND xã Thắng Thủy (huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) và ông Nguyễn Văn Khoa, 51 tuổi, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Anh Nam (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam).

Ông Khoa và ông Tốt viết đơn xin “từ quan” hoàn toàn tự nguyện vì “thấy mình làm không được, cọ xát với công việc thấy không phù hợp, không đáp ứng được sự kỳ vọng của dân nên thôi, xin nghỉ” - lời ông Khoa. Không có chuyện “hạ cánh an toàn” hay “chạy án” như một số người khác. 

Hành động của 2 ông rất đáng trân trọng. Lớp trẻ thay 2 ông hãy nghĩ tới sự dũng cảm, thẳng thắn của những người tiền nhiệm mà cố gắng làm tốt hơn.

Ông Tốt, ông Khoa đã chân thật và thẳng thắn với chính mình và với nhân dân. Các ông “từ quan” để lại sự nể trọng của dân. Lẽ hành, tàng, xuất, xử, biết mình biết người luôn là cách để người ta sống có ý nghĩa hơn. 

Vậy nhưng cũng trên Báo Lao Động hôm nay (18.11) đưa tin, cơ quan an ninh đã bắt đối tượng Nguyễn Thị Thuý Hiền (SN 1987, trú tại khóm 6, thị trấn Khe Sanh, Quảng Trị) vì tội làm bằng giả cho 12 cán bộ xã ở huyện Hướng Hoá.

Theo bản tin, 12 cán bộ xã này biết mình không đủ điểm đậu kỳ thi tốt nghiệp THPT nên mỗi người phải đưa hơn 10 triệu đồng nhờ đối tượng Hiền “phúc khảo”. Kết quả, Hiền đã làm một loạt bằng giả đưa cho các cán bộ. 

Câu hỏi đặt ra là: Các cán bộ này có biết mình dùng bằng giả hay không? Thật khó có thể tin họ không biết. 

Câu hỏi khác là: Cán bộ mà đến thi tốt nghiệp THPT (đa số là hệ bổ túc) cũng không đậu thì có nên làm… cán bộ?

Người viết bài này từng dạy văn một lớp bổ túc cho cán bộ xã. Khi yêu cầu học viên viết văn bản gửi chính quyền trình báo về việc mất xe đạp, kết quả nhận được rất nhiều “đơn xin mất xe đạp” (?!). Vậy là, thay vì bình giảng về “Ông già và biển cả”, “Sông Đông êm đềm” hay giá trị nhân đạo trong tác phẩm “Truyện Kiều” thì đành phải bẻ cong kế hoạch, hì hục hướng dẫn các cán bộ học cách viết văn bản hành chính. 

Sự thích làm quan đang khiến nhiều người bất chấp. Quyền lực trao vào tay kẻ ngu muội thì kết quả chỉ là phá hoại. Lãnh đạo xã mà không đọc, hiểu được văn bản quy phạm pháp luật thì làm sao thực hiện cho đúng, cho đạt được các chủ trương, chính sách. Quản lý bằng mẹo thì khó tránh được sai do thiếu hiểu biết hoặc bày trò ăn vặt, gây mất niềm tin và kéo lùi sự phát triển.

Kính trọng ông Tốt, ông Khoa và cần lên án mạnh mẽ, thanh lọc nhiều “ông quan xã” dùng bằng giả và viết “đơn xin mất xe đạp”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn