MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Căn nguyên vấn đề không phải chỉ nằm ở những cô bảo mẫu - ma quỷ đội lốt người. Ảnh: Soha

Như ma quỷ đội lốt!

Tường Minh LDO | 27/11/2017 15:11

Uất ức, căm phẫn và nước mắt… là cảm giác của số đông khi nhìn thấy hình ảnh những trẻ bị bảo mẫu đánh đập ở trường Mầm Xanh. Những “mẹ hiền” đang vung tay ấy, họ không phải là người. Cứ như ma quỷ đội lốt.

Không phải là lần đầu tiên, chúng ta “uất ức, căm phẫn và nước mắt” bởi cũng không phải là lần đầu, con cái chúng ta bị hành hạ, đánh đập.

Nhưng gần đây, hình như cảm xúc không còn mãnh liệt như những lần trước. Là bởi những câu chuyện tương tự ngày càng nhiều và đến mức gần như đã trở thành chuyện bình thường của đời sống, khiến chúng ta dần trơ lỳ với cái ác. 

Theo một báo cáo gần nhất của Bộ LĐTBXH, tại Việt Nam, trung bình mỗi năm có khoảng trên 2.000 trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại ở mức độ nghiêm trọng. 

Và tính chất của các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em có chiều hướng diễn biến phức tạp và nghiêm trọng, xảy ra ngay trong môi trường gia đình và trường học. 

Trở lại với vụ Mầm Xanh. Phản ứng của chính quyền, theo công thức sẽ là đình chỉ điểm giữ trẻ, giải tán điểm trường, công an vào cuộc điều tra, xử lý tội bạo hành của bảo mẫu...

Bao giờ cũng vậy và rồi vụ việc một thời gian nữa sẽ lắng xuống như bao nhiêu vụ bạo hành trẻ em động trời đã lắng xuống…

Tôi lo lắng ngày mai, những “Mầm Xanh” khác sẽ bùng lên ở bất kỳ nơi nào đó trên đất nước mình; số trẻ em bị bạo hành sẽ vượt ngưỡng con số kia, nếu như bây giờ, chính quyền vẫn xử lý vụ việc theo công thức vừa kể và nhìn nhận gốc rễ vấn đề chỉ nằm ở chỗ những ma quỷ đột lốt người.  

Căn nguyên vẫn là chúng ta đang thiếu nghiêm trọng và chưa có giải pháp để có những trường mầm non đáp ứng tiêu chuẩn yêu cầu và nhu cầu phát triển; sự tăng nhanh của dân số/di dân, đặc biệt là các thành phố lớn.

Việt Nam là nước đầu tiên ở Châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn công ước Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em mà không bảo lưu bất kỳ điều khoản nào.

Chúng ta đã xây dựng nhiều khung pháp lý để bảo đảm mọi trẻ em có môi trường sống an toàn như: Luật Trẻ em 2016, Nghị định số 56/2017/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em…

Nhưng chừng đó vẫn chưa đủ khi người nghèo khó, với các nhu cầu tối thiểu như học hành, chữa bệnh, đang bị “lãng quên” và phải tự xoay xở. Công nhân, vì mưu sinh đã phó mặc con mình cho những điểm giữ trẻ thiếu chuẩn, giá rẻ là một ví dụ!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn